CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

TẮM BIỂN THỜI...THƠ NGÂY

Hạnh phúc thay cho những ai là dân xứ biển,rảnh rổi  thì "ùm " một cái,nóng nực quá cũng " ùm " một cái.Mọi bực bội phiền hà đều tan theo bọt sóng.Già trẻ lớn bé gì cũng xử dụng được hết cái công cụ giãm " stress " thiên nhiên,hiệu quã mà miễn phí này.
Người già thì tắm biển vì mõi gân nhức cốt,thanh niên thanh nữ rủ nhau tắm biển để rù rì tìm hiểu,chỉ có đám con nít tắm biển là vì thích vì vui mà thôi.Vậy bây giờ chúng ta xem thử hồi xưa" con nít " tụi tui tắm biển như thế nào ?
Khoái nhất là giữa khi đi học lại được tắm biển.Nghĩ hai giờ đầu hay hai giờ cuối vì một lý do gì đó là cả bọn kéo nhau đi bơi.Cỡi vội chiếc quần dài xanh,cuộn cái áo trắng vào là xong,không nội y chỉ có độc cái quần xà lõn ,lao xuống nước" ùm " một cái ,sướng mê người !
Nghĩ học hai giờ sau là quá đỗi thuận tiện,kẹt nhất là nghĩ hai giờ trước,hai giờ sau phải vào lớp học nên chúng tôi lúc ban đầu đã nảy ra " tối kiến " là sau khi tắm đem quấn cái quần dài trên guidon xe đạp,chạy thẵng vào lớp,đợi cho quần đùi ráo nước rồi mặc vào sau ( năm học lớp 7 trường BC LTK ).Tối kiến này đưa đến kết quả là cả bọn được tặng cho một trận đòn muốn tét mông bởi thầy Lai giám thị khi bổng dưng thầy nhìn thấy một đám học trò mà đứa nào đứa nấy cái đít quần xanh ướt nhem !!
Thế là đành phải từ giã Bãi Trước,bãi Tầm Dương thơ mộng,chúng tôi chọn địa điểm mới là Hòn Ngưu trên Dinh Ông Thượng,ở đó mực nước sâu, tha hồ nhảy từ trên mỏm đá xuống( đứa nào cũng biết bơi tập tểnh mà ),được hưởng cảm giác mạnh khi từ trên cao rớt xuống nước và đặc biệt hơn là tới mùa con ruốc,vô vàn là ruốc,chúng đi từng đàn ửng đỏ cả một vùng,chỉ cần đem theo một mãnh vải mùng là có thể có được cả kílô ruốc trong một lần vớt.Rãi lên trên bề mặt đá đang nóng ran,chúng nhảy lên soi sói rồi chín tới.Bốc từng nhúm bỏ vào miệng,cái vị ngọt của con ruốc tươi,vị mặn của biển hòa lẫn vào trở thành một món ăn chơi độc đáo mà không có một nhà hàng đặc sản nào có thể thực hiện được!
Và còn có một cái thuận lợi nhất là trên Dinh Ông Thượng rất vắng vẻ nên chúng tôi lại suy nghĩ ra một sáng kiến mới là " nuy 100% "khi tắm,quần áo cứ cuộn lại để vào một hốc đá,tắm thỏa thích xong ngồi " phơi " một lát đợi thân thể khô ráo là mặc đồng phục vào,kéo nhau đến trường,đi hiên ngang qua mặt Thầy Lai...tỉnh queo !!!!
Tai ương ập đến:
Một hôm nọ được nghĩ học hai giờ đầu,chúng tôi lại kéo nhau ra Dinh Ông Thượng như mọi khi.Lúc các con cháu của ông ADAM đang vui đùa thỏa thích dưới nước,bổng nhìn lên thấy các bạn nữ trong lớp lố nhố đứng ngắm trời ngó mây trên bờ đá cao trước mặt.Trời hỡi!!!làm sao leo lên đây ? đã vậy cả bọn còn phải núp hết vào ghành đá để che dấu phần thân thể trống trơn của mình.Thời gian cứ trôi,các bạn nữ cứ đứng ngắm mây trắng biển xanh,còn chúng tôi đang ngâm mình dưới nước thì bắt đầu run lên vì lạnh.Làm sao bây giờ Trời ơi ?Làm sao bây chừ Giàng ơi?.
Cái khó nó ló cái khôn,thế là sau một thoáng bàn bạc, " Lê Lai cứu Chúa " ra đời. SécTi-AnhĐô, học sinh nam, lai Pháp đẹp trai và trắng trẻo nhất trong lớp tình nguyện xuất hiện,chàng bơi sấp bơi ngữa " tènh tènh "ra xa.Thân thể chàng rực rở dưới ánh Thái Dương,các nàng quay lại nhìn thấy :
" Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên "
Cả nhóm rú lên một tiếng rồi kéo nhau chạy mất dép!! Chúng tôi thoát nạn,leo lên bờ,khuôn mặt nửa đỏ vì cười,nửa tím ngắt vì lạnh.Mặc vội quần áo vào chạy ào ào vô lớp ,đám nữ liếc xéo chúng tôi với đôi mắt không còn nhìn thấy tròng đen còn bạn AnhĐô thì mặt như trái gấc chín !!!
Chúng tôi hôm nay vẫn còn nhưng niềm vui tắm biển thì không còn và bạn Seati-AlDo cũng không còn nữa.Tất cả chỉ còn giữ lại trong ký ức mà thôi nên mổi khi có dịp nhìn lại Dinh Ông Thượng lòng mình bổng dưng chùng xuống hẵn đi  khi nghĩ đến những chuỗi kỷ niệm xa xưa đã từng xãy ra nơi đó....
" Nào các bạn...một...hai...ba "
Ùm một cái !!!!!!!
Dinh Ông Thượng ( Hòn Ngưu )
Bạn Aldo trong những ngày cuối đời

phuocluonghuu
Bài đọc thêm: Nhảy tàu Ô-Quắn

Không có nhận xét nào: