Tuổi thơ vốn có nhiều mơ ước nhỏ nhoi đơn giản, thời đi học của chúng tôi cách đây bốn mươi năm cứ đến Trung thu thì nhà trường luôn tổ chức họp mặt, phát bánh Trung thu cho tất cả học sinh, những chiếc bánh trung thu nhỏ xíu bên trong là nhân mứt thập cẩm như mứt bí,hột dưa, trần bì, những miếng tóp mỡ béo ngậy( làm gì có những bánh nhân trứng,nhiều loại cao lương mỹ vị như bây giờ)...chỉ vậy thôi nhưng bọn học sinh mê lắm, chưa kẻ đến những chiếc bánh heo mẹ và bầy heo con chen chúc nhân đậu xanh thơm phức thật ngon,đến những chiếc lồng đèn giấy xếp hình trái bí ,lồng đèn khung tre giấy kiếng đỏ hình các con vật được vẽ màu sặc sỡ : Gà ,Thỏ, ngôi sao, đèn kéo quân...đủ cho chúng tôi chết mê chết mệt.Những đứa nhà nghèo thì tự làm lồng đèn cho mình , hoạc kiếm lon sữa bò, lon bia về cắt khía, ấn xuống là có ngay chiếc lồng đèn chơi trung thu . Ngày ấy làm gì có đèn đường thắp sáng như bây giờ, tuổi thơ của chúng tôi huyền hoặc với ánh trăng vàng huyền thoại sự tích Hằng Nga , chú cuội, những ánh nến nhỏ bé lung linh và vị ngọt nhẹ nhàng của những chiếc bánh ru những giấc mơ thiên thần tuổi nhỏ,
Nhà đứa nào khá giả sẽ có bày cỗ trông trăng,những đứa trẻ hàng xóm đều được tham gia sau khi cùng nhau rước đèn ,hát vang các bài về trung thu “ Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to...”. Mâm cỗ là những đĩa xôi nếp,chả lụa,chè kho ( một loại chè đậu xanh nấu đặc cắt như bánh) các loại bánh kẹo, mía được cắt từng lóng cỡ gang tay, bà nội tôi còn rang những hạt bắp nở xòe trắng xóa ăn giòn ngọt lịm mà bà đã ủ suốt mùa năm ngoái, những hạt đậu phộng luộc , rang dòn , nước uống là một nồi nước lá dứa thơm phức ấm áp , tất cả đã đi vào tuổi thơ của lứa chúng tôi ngày ấy...cuối cùng của cỗ trông trăng là tất cả đều ngồi vây quanh nghe Bà kể chuyện cổ tích . Giọng bà ấp áp, lôi cuốn, nhiều đứa ngủ gật như chơi. Trung thu trăng thanh gió mát , những món ăn , những câu chuyện cổ tích đã ươm bao giấc mơ tuổi thơ trong đó có tôi, lớn lên vào đời nhẹ nhàng nhưng đầy ắp kỷ niệm.
Sau này khi có gia đình , tôi cũng tiếp tục bày cỗ trông trăng cho các con...bà ngoại chúng tiếp tục làm nhiệm vụ kể chuyện khiến các con tôi và lũ trẻ hàng xóm mê tít, mỗi mùa trung thu đều đem lại cho bọn trẻ niềm háo hức, ngây thơ và cả vào trong những giấc mơ đẹp, ươm mầm lớn lên đậm nét hiền hòa tình yêu quê hương, gia đình , yêu đồng bào qua các câu chuyện cổ tích thấm đẫm tính nhân văn và giáo dục.Cuộc chơi chỉ kéo dài đến khoảng chín giờ thì giải tán khi trăng vừa lên độ ngọn cây để sáng mai còn đi học, năm nào trùng ngày hôm sau là chủ nhật thì được chơi trễ hơn. Bây giờ, thời buổi hiện đại, chương trình ti vi , các phương tiện kỹ thuật hiện đại khiến các cháu lạ lẫm với việc nghe bà kể chuyện , những chiếc bánh trung thu đắt tiền, các loại bánh kẹo đủ loại hương vị đã khiến bọn trẻ con chẳng bao giờ nghĩ đến ngày xưa. Chỉ còn những trang viết , những câu chuyện tả lại lạc lõng giữa muôn vàn điều chi phối khác của quy luật cuộc đời.
Vậy đó, hàng năm cứ mỗi khi Trung thu đến,Tôi lại lang thang trên khắp những con đường tìm lại hình ảnh rước đèn chơi trăng của trẻ em ngày càng mai một,những ngọn đèn đường sáng , đô thị rực rỡ anh đèn...các cháu có thể xem các chương trình giải trí bằng nhiều phương tiện đã làm lãng quên lãng quên là điều tất nhiên. Chỉ có bầu trời là không xa lạ với ánh trăng vàng thủa nào, biển vẫn lấp lánh những con sóng nhẹ xô bờ lấp loáng ánh trăng, Và Trung thu tuổi thơ còn là bao kỷ niệm về những đứa bạn thân trong tôi không thể xóa nhòa.Kỷ niệm vẫn là kỷ niệm và mỗi năm chúng ta già đi một chút, cuộc sống gấp gáp cũng góp phần làm cho tâm hồn ta cằn cỗi.Một chút gió thu mát dịu ...nhẹ đến ,khiến những bình yên cuộc đời cho ta nhớ về ngày xưa. Tuổi thơ của chúng ta đã xa lâu rồi. Hoài niệm ấy nhớ biết đến bao giờ ?!?
PHAN THỊ VINH
Ai trong chúng ta cũng đã trãi qua thời thơ ấu bên những chiếc lồng đèn Trung Thu,nhưng thực ra những chiếc lồng đèn con cá,con thỏ hay chiếc tàu bay thời ấy là một xa xí phẩm đối với cha mẹ chúng ta những người mà phải nuôi cả bầy con bằng đồng lương công chức của mình.Chúng ta thường tự làm,tự chế ra để chơi mà thôi.Dể nhất là làm đèn ngôi sao, kiếm ít nan tre ,ít giấy bóng kiếng gói quà là chúng ta đã có một chiếc lồng đèn rồi.Cầu kỳ hơn và sinh động hơn là làm lồng đèn di động bằng 2 ống lon sữa bò.Chiếc này chồng lên chiếc kia và đẩy đi,thế là có một chiếc lồng đèn tự xoay kỳ thú!Nhưng " của chơi không bằng cách chơi ", mấy nhóc tì trong cùng một dãy phố,cùng một xóm tụ tập nhau đêm Trung Thu nơi một khoãng đất trống,mảnh sân nào đó trong vùng ,đứa cầm lồng đèn ngôi sao ,đứa đẩy ống lon sữa bò,ánh sáng đèn cầy cứ quay loang loáng trên đường đi,không có diễu hành kẻ trước người sau nhưng chúng ta tự dưng chơi chung một trò chơi dân gian mà hình như lúc đó đứa con nít nào cũng biết quy luật là đứa sau nắm vạt áo đứa trước vừa đi vừa hát:
" Thiên Đàng,Địa Ngục hai bên,ai khôn thì nhờ,ai dại thì sa.Thiên Đàng nhớ Chúa,nhớ Cha.Đọc kinh cầu nguyện,kẻo sa linh hồn.Linh hồn phải giử linh hồn,đến khi gần chết,được lên Thiên Đàng ".Chử "Đàng" vừa dứt là cái cổng hạ xuống , hai đứa đóng vai ma quỷ rượt đuổi mấy tên còn ở ngoài chưa kịp vào.Thế là tiếng la hét in ỏi,tiếng cười đùa khoái trá vang vọng khắp một vùng.Không có những chiếc bánh Trung Thu cầu kỳ hạt sen,thập cẩm như bây giờ,bọn trẻ chúng ta chia nhau từng cục kẹo sửa Nou-ga,vài viên kẹo trái thơm,ít chiếc bánh Sâm-Panh là đêm Trung Thu đã đủ làm cho chúng ta nhớ đến cả một đời.
Bọn trẻ bây giờ chơi Trung Thu theo kịch bản dàn dựng của khu phố,của nhà trường.Chúng đi tới đi lui nhịp nhàng như người máy,khuôn mặt ngơ ngác,ngượng ngịu.Ôi !buồn thay !
Bởi vậy,tại sao chúng ta cứ thường hoài niệm?
phuocluonghuu
1 nhận xét:
Thật cám ơn anh Phước và chị Vinh chia sẻ bài viết về Trung Thu.
Sắp đến Rằm tháng Tám làm lòng rộn ràng nhớ lại tuổi thơ Rước Đèn Tháng Tám.
Tôi còn nhớ mãi một đêm rước đèn thật vui nơi thị xã Cần Thơ. Nhiều trường cùng rước đèn đi qua nhiều con phố của thị xã, và cùng ca vang những bài ca.
Trung Thu nơi xứ người như ở Na Uy, tuy không có không khí của trăng (vì thường bị mưa và tổ chức trong phòng), của bánh, của những lồng đèn..., nhưng chúng tôi cố gắng thực hiện "rước đèn bỏ túi" trong phòng với một số trò chơi để các cháu có thể biết chút chút về Tết Thiếu Nhi (mà tên chính là Tết Trung Thu).
Đăng nhận xét