CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

LÓC...CÓC...HỦ TÍU-MÌ GÕ !

 Cuộc đời tôi có những hình ảnh, âm thanh từ thủa nhỏ đến tuổi về chiều vẫn không quên mà còn nhớ dữ dội hơn mỗi khi chợt nhớ, nhất là khi một mình lặng lẽ ngắm biển hoàng hôn, ngang qua góc phố xưa, tất tật như những thước phim quay chậm ùa về gieo trong lòng những cảm xúc đậm đà như thủa còn thơ trẻ.Đó là ký ức của người không còn trẻ nữa!tôi cũng không ngoại lệ, khi có lúc nào đó chợt nhớ thì lại bâng khuâng do kỷ niệm ấy mãi day dứt hoài khó quên đến lạ lùng.Tôi phải lòng vòng như vậy bởi tôi đang lắng nghe vọng về tiếng gõ lóc cóc…lóc cóc vang vang của âm thanh do hai thanh tre già gõ tạo nhịp thật hay của anh Hai bán hủ tiếu gõ thường đi ngang nhà lúc ba giờ chiều, dáng của anh nhỏ bé,anh mặc chiếc quần tây dài màu xanh dương và cái áo thun màu xanh da trời nhạt màu tuy cũ nhưng sạch sẽ,tươm tất.Đôi dép mủ đã mòn vì phải đi bộ nhiều len lỏi khắp các hẽm tìm mời khách ăn hủ tiếu.(Sau này có người đi xe đạp cho nhanh hơn.)
Hủ Tíu-Mì gõ xưa và nay
Tôi thường là thực khách đón sẵn để thưởng thức tô hủ tiếu gõ sau khi ngủ một giấc ngủ trưa và học bài hoàn tất!Với giọng nói rất khó nghe của người xứ Quảng, anh tâm sự: xe hủ tiếu gõ do ba anh bán di chuyển liên tục trên đường, dừng lại từng nơi để bán khi có khách gọi! Anh có biệt tài chạy nhanh trên tay bưng mâm có 3 đến 5 tô hủ tiếu nóng hổi giao cho khách thiệt lẹ để hủ tiếu không nở,nguội mất ngon…bằng chứng là khi tôi vừa gọi chỉ chốc lát anh đã mang hủ tiếu đến với nụ cười tươi và nói: “ Eng ngoon heeng”.Mà hủ tiếu ngon lắm so với tôi thời ấy, những sợi hủ tiếu trắng đục trụng mềm vừa ăn, nước lèo trong vắt ngọt lịm,nửa lá sà lách và hành hẹ cắt nhuyễn,hai miếng thịt nạc mỏng xếp trên mặt,vài lát ớt đỏ cắt chéo cũng thiệt mỏng đủ làm tôi cay hít hà, hấp dẫn  là vài miếng tóp mỡ thơm, dòn rụm đặc biệt.
Xe hủ tíu đặc trưng của người Hoa
Tôi cũng “nhiều chuyện” hỏi anh về cách nấu món hủ tiếu, anh nói là ba mình làm hết, anh chỉ phụ lặt rửa rau, làm việc linh tinh khi chiều được nghỉ học và phụ bán.Chẳng bao giờ nghe anh nhắc về mẹ,phần vì anh luôn phải tất bật đi giao hủ tiếu cho khách nên tôi cũng chẳng thể biết gì thêm, chỉ thấy mỗi lần tôi gọi hủ tiếu là anh mừng rỡ phục vụ ngay.Rồi thời gian trôi mau,một hôm anh chào từ giã tôi để theo ba mình lên Sàigòn kiếm sống cho dễ! Lý do đơn giản ấy nhưng cũng làm tôi bâng khuâng, chao ơi cuộc sống phức tạp và thay đổi diệu kỳ…chỉ vài hôm sau, người bán hủ tiếu gõ khác thay thế còn người đi giao là một đứa bé nhỏ hơn tôi,cũng giọng nói đặc trưng xứ Quảng nhưng khó nghe hơn, tô hủ tiếu cũng không ngon bằng và tôi không đón để thưởng thức nữa.
Sau này lớn hơn, cảm nhận của tôi về hủ tiếu gõ với góc nhìn khác,những âm thanh lóc cóc,lóc cóc …của mỗi người khác nhau dù giai điệu giống nhau.Nếu gõ dồn dập là hủ tiếu sắp hết, xe sắp rời đi, nếu gõ rời rạc là đang ế v.v.. dần dần thanh gỗ tre thay bằng miếng gỗ nên âm thanh tiếng gõ trầm đục hơn,rồi tới lúc có người thay bằng miếng kim loại dùng đập đá, tiếng chát chúa hơn và tôi thấy tiếng gõ của thanh tre già vẫn tuyệt hơn.Cuộc sống dời đổi, tôi cũng nhiều lần đổi nhà đến những nơi khác, tôi mới phát hiện rằng xe hủ tiếu gõ có ở khắp nơi,bán ở một khu dân cư nào đó và thường là bán từ chiều đến khuya.Công thức nấu nước lèo khá đơn giản, xương heo,củ cải trắng,bắp cải khô muối màu đỏ gạch cua thường gọi là cải bắc thảo,muối, đường,bột ngọt nêm vừa ăn!!!Hủ tiếu gõ được coi là món ăn dằn bụng của bất cứ ai thức đêm, làm đêm đói bụng.Sau này là của lao động, sinh viên nghèo cần món ăn đêm, và hủ tiếu gõ có thêm mì tự lúc nào tôi không nhớ nổi.
Thời tôi học đại học ở Sài Gòn trước 1975,do thay đổi chỗ ở trọ liên miên tôi cứ mong có dịp gặp lại anh Hai bán hủ tiếu gõ ngày nào nhưng không thể, Sài Gòn rộng lớn, người đông, có nhiều xe hủ tiếu gõ nhưng là những người khác, cũng dân xứ Quảng cần cù,giọng nói nặng thổ ngữ địa phương khó hiểu nếu không quen…cùng những giai điệu của hai miếng gỗ buồn vui nhạt nhòa nỗi nhọc nhằn kiếm sống của người bán.Bây giờ,bạn bè thường nói tôi sao cứ vấn vương chuyện cũ, nhớ làm gì chuyện không đâu? Ừ nhỉ!nhưng biết làm sao nó dường như cái nghiệp văn chương vận vào người day dứt.Bao dời đổi đời mình thoắt đã mấy mươi năm, những xe hủ tiếu-mì gõ đã thay đổi cách bán,thường là  bán cố định một góc đường nào đó và những cái bàn, ghế cóc…thực khách cần ăn thì ghé! cũng có người mang đến những nơi gần,nhưng tiếng gõ đã lạc mất tự bao giờ.
Gần sáu mươi năm, Vũng Tàu bây giờ  đông dân chứ không vắng vẻ như thời tôi còn nhỏ.Những phố ăn đêm, những hàng ăn nổi tiếng cạnh tranh nhưng hủ tiếu gõ vẫn có vị trí riêng:bình dân, rẻ,ăn vừa miệng, dĩ nhiên người bán cố gắng an toàn thực phẩm nữa thì tuyệt để phục vụ thực khách cần ấm bụng về khuya! xe hủ tiếu-mì gõ vẫn kiếm sống thoải mái và tồn tại hoài trong thế giới ẩm thực của người Việt.Tôi dám bảo đảm là những ai ở độ tuổi như tôi và nhỏ hơn dăm mười tuổi, thậm chí ở độ tuổi hai mươi mấy như các con tôi chắc chắn sẽ nhớ tiếng gõ lóc cóc, lóc cóc rất nhịp nhàng của món hủ tiếu gõ …khó quên thủa nào xa lắc chợt quay về.

PHAN THỊ VINH

2 nhận xét:

Lương Hữu Phước nói...

Khi xưa chiếc xe hủ tíu của người Hoa giống như một tác phẩm nghệ thuật.Không kể phần chạm khắc tinh xảo quanh thân xe và phần người lớn hay con nít đều khoái là xem những tấm tranh kiếng được vẽ rất công phu và sống động như Tam Anh Chiến Lữ Bố,Quá Ngũ Quan Trãm Lục Tướng....Vừa ăn vừa xem truyện tranh thì chẵng phải tuyệt vời quá ư ?

phanvinh nói...

Đúng là như vậy, ngày xưa Vinh vẫn thường nhìn mê mải những hình vẽ của xe hủ tiếu mỳ thẩy bán ở mặt chợ Vũng Tàu cũ,Nể luôn chú bán mỳ biểu diễn thẩy mỳ như xiếc, bây giờ dời về đường Bacu vẫn nổi tiếng như ngày nào...Nghĩ tới làm Vinh nhớ Ba của mình quá chừng,hồi nhỏ cuối tuần ông thường dẫn mấy đứa con đi ăn mỳ để thưởng khi học giỏi.