CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

CHIẾC ÁO HỌC TRÒ

Khoảng năm 1967, tôi may mắn trúng tuyển vào trường nữ trung học Lê Ngọc Hân Thành phố Mỹ Tho. Đây là trường nữ trung học duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Học sinh ở các huyện xa và các tỉnh lân cận đều đến đây học.
 Con em nhà nào được học trường nầy là hảnh diện lắm. Học giỏi mới được vào, chứ không phải như  ngày nay muốn vào  trường  chỉ việc đóng  một triệu đồng , tiền cơ sở vật chất hay quen chạy chọt , quen biết với ban Giám hiệu là được đâu.
Gia đình tôi nghèo, má tôi là cô giáo tiểu học trường làng, nhưng 5 chị em gái của tôi đứa nào cũng lần lượt trúng tuyển vào trường Lê Ngọc Hân. Nhà cách trường 4 cây số. Ngày 2 bận đi về, tôi phải đi bộ .
Những  ngày nắng  đỡ vất vả  hơn nhưng mùa mưa thì ngày nào cũng lội sình đi học, quần vo quá gối, áo dài phải cột 2 vạt dính lại với nhau cho gọn, tay ôm cặp tay xách dép đi bộ ra đến bờ sông Bảo Định tôi xuống mé sông rửa chân mang dép, sửa quần áo chỉnh tề rồi đến lớp. Suốt bậc trung học tôi cứ đi bộ đến trường như vậy. Bạn bè nào khá giả hơn thì có được chiếc xe đạp. Lúc ấy chưa có xe máy như bây giờ. Học sinh  mặc áo dài trắng có đính phù hiệu. Không có tiền may áo cho tôi. Má cho tôi  mặc cái áo dài cũ của chị Hai tôi để lại. Hễ chị mặc chật thì đến phần em. Đối với tôi việc ấy không quan trọng. Cứ mỗi kỳ nghỉ hè, tôi mua chai Javel về ngâm cái áo dài cũ của chị 1 lát, nó trắng như mới. Thế là tựu trường có áo đi học. Bạn bè  mặc áo ủi phẳng phiu còn tôi quanh năm suốt tháng không ủi lần nào. Hai mép của vạt áo nó cuốn kèn tôi cũng mặc kệ.Trong lớp tôi có nhiều bạn rất giàu.Giàu nhất nhì Mỹ Tho.Bạn Hoa , con tiệm vải Đại Tân, bạn Hoàng con tiệm gạo Thiên Phước……
Chúng nó mặc quần trắng, mang giầy có quay hậu, đầu đội nón ren thật đẹp. Tay ôm cặp da bóng mướt. Còn tôi dép Nhật, quần  vải đen, nón lá, cặp rách ngược rách xuôi.  Năm đệ tứ, chúng nó còn hơn tôi một thứ nửa là chúng nó có NGƯỜI YÊU. Vào lớp chúng nó ngồi bàn sau lưng tôi. Cứ   rù rì chuyện hẹn hò. Thỉnh thoảng người yêu nó về , nó trốn học đi chơi với Bồ. Tôi chẵng hiểu đi chơi là đi đâu và chơi cái gì? Sao mà nó vui vẻ thế!!!.Cái gì chúng nó cũng hơn tôi. Nhưng  có một  cái tôi hơn nó. Đó là  cái học.
 Đi học vất vả lắm, ngoài giờ học phải làm việc nhà, đở đần ba má rất nhiều công việc  nhưng không vì thế  làm tôi chán nản việc học hành và không làm giảm  sút  chất tố tự nhiên của 1 đứa học trò nghịch ngợm. Lớp đệ tứ được ưu tiên học trên lầu. Tay vịn cầu thang tròn , trơn,láng. Mỗi lần đến giờ ra chơi, chúng tôi rủ nhau cột 2 vạt áo dài cho gọn lại rồi leo lên tay vịn của cầu thang nằm sấp trên lan can, hai tay ôm  tay  vịn  tuột từ trên lầu xuống đất thay vì đi từ bậc thang. Cô giám thị bắt phạt nhiều lần. Không  được  tuột cầu thang nửa chúng tôi rủ nhau chạy đua trên cầu thang. Có lần đang cắm đầu chạy lên, tôi đâm sầm vào thầy giáo đi ngược chiều. Lở trớn, ôm chầm lấy thầy. Vừa mắc cở vừa sợ xanh cả mặt.  Tôi bị cô giáo Nhàn mắng cho một trận “ Con gái phải nết na, dịu dàng, đi đứng khoan thai.Mổi lần đi lên lầu phải  cầm vạt áo trước lên kẻo mình tự giẩm  lên vạt áo của mình  rồi té. Còn đi xuống thì cầm vạt áo sau lên kẻo người ta giẩm lên áo của mình. Tôi nhớ mãi lời răn ấy đến tận bây giờ.  Nội quy của trường quy định tất cả học sinh phải đứng ngoài cổng trường trước giờ học khoảng 10 phút chú bảo vệ mới mở cổng cho chúng tôi vào sân. Học sinh chúng tôi cứ tìm cách chọc phá chú bảo vệ, chú này nhỏ người nhưng nước da đen bóng và đặc biệt hơn nữa là lúc nào chú cũng mang kính màu đen. Chúng tôi hay gọi chú là “ đôi mắt người xưa ”. Lấy tựa đề của một tuồng cải lương  nổi tiếng, để đặt tên cho chú. Chúng tôi cả chục đứa rủ nhau  vây lấy chú giật được cái kính đen mà chú đang mang để nhìn xem mắt chú có bị gì không mà cứ phải mang kính như thế. Thì ra  chú bị hỏng  mắt trái. Bọn con gái chúng tôi nghịch ngợm chẳng kém gì con trai.Tôi từng tuyên bố với các bạn trong lớp:
- Sau nầy tao làm bộ trưởng bộ QG Giáo dục, tao quy định ngược  lại mỗi năm  học sinh nghĩ hè chín tháng chỉ đi học ba tháng thôi.
Cái gì tôi cũng nghĩ ra và cái gì  tôi cũng làm được. Nghịch ngợm như vậy nhưng  đến cuối năm đệ tứ, học sinh phải phân ban theo năng khiếu. Ban Sinh, ban Toán và ban Văn. Thường thì con trai hoc ban Toán, con gái chọn ban Sinh, ai có năng khiếu thì học ban Văn. Hiếm ai học văn, cả khối đệ Tứ không chọn đủ bốn chục học sinh để  mở một lớp đệ Tam ban Văn. Thế là nhà trường quyết định gởi tôi  vào trường Nam trung học Nguyễn đình Chiểu, học chung với con trai. Vì sợ học chung với con trai tôi sợ quá, tôi xin ở lại trường và chọn ban Toán. Bỏ luôn mơ ước học ban Văn., để sau nầy làm cô giáo dạy văn, mỗi ngày mặc áo dài tím đứng trước  bốn mượi em học sinh. Buồn lắm. Mọi người ai cũng cười tôi:
             Nó quậy quá, y hệt con trai, nói năng như con trai, ai ngờ nó nhát dữ. Miệng hùm gan sứa!!!
              Tôi  quê quá!  Từ đó bớt quậy chút ít. Vả lại, lớn rồi , tự nhiên cũng đằm thắm lại. Trường tôi học có nhận đở đầu cho căn cứ ĐỒNG TÂM, bịnh viện Ba dã chiến Mỹ Tho. Những ngày lể , Tết trường hay tổ chức đi ủy lạo, thăm viếng binh sỉ và anh em thương bịnh binh. Ưu tiên cho học sinh lớp đệ Tam. Lớp đệ Nhị  và đệ Nhất bận việc thi cử, còn các lớp kia toàn con nít,  an ủi được anh lính nào? Những lần như thế, tôi về xin Má nhưng Má không cho đi. Má không cho thì dù có muốn tôi cũng không dám cải. Bạn bè đi về hớn hở. Chúng khoe anh lính BĐQ cho địa chỉ, anh SĐ7 hẹn khi nào hết bịnh sẽ về thăm…..Tôi chẵng biết anh nào, mà nếu tôi có đi chắc chẵng anh nào thèm hẹn hò với tôi  bởi tôi xấu xí không tha thướt, dịu dàng chút nào. Ai mà thèm….
Năm tôi học lớp đệ nhất, lớp cuối cùng của bậc trung học má tôi may cho tôi cái áo dài trắng bằng “ vải soar Thái Lan” mới tinh. Ba ngày đầu tuần tôi mặc áo dài cũ của chị Hai, ba ngày cuối tuần tôi mặc áo dài mới đi học. Năm đệ nhất là năm quan trọng nhất, căng thẳng nhất để chuẩn bị cho kỳ thi tú tài 2. Tất cả mọi người ai cũng vội vã, khẩn trương. Cuối năm học, chúng tôi không kịp liên hoan, tạm biệt nhau, măc dù biết rằng đây là lần chúng tôi được ngồi bên nhau.Chúng tôi cứ thấy bịn rịn lưu luyến nhau trong sân trường dưới tàn cây cồng vàng. Sân trường tôi không  có hoa phượng mà chỉ có cồng vàng.trường .
Bốn mươi năm rồi, kể từ ngày giả từ ngôi trường Lê Ngọc Hân  mổi lần   có dịp về lại Mỹ Tho tôi cứ đứng tần ngần trước cổng trường mà nghe bồi hồi xúc động..Chiếc áo dài trắng ngày xưa – chiếc áo dài duy nhất của tuổi học trò của riêng mình tôi còn cất giữ trong ngăn tủ. Tôi lưu giữ chiếc áo như lưu giữ những kỷ niệm của thời áo trắng.

ĐẶNG THIÊN THANH

Chúng ta vừa làm quen với bạn Đặng Thiên Thanh ( cùng lứa tuổi chúng mình ).Bạn Thanh ở Mỷ Tho.Bạn ấy vào xem blog CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG của chúng ta và nhận ra rằng tuy cách nhau về địa phương nhưng lại cùng có chung một kỷ niệm đẹp,đó là những ngày tháng chúng ta còn ngồi ở ghế nhà trường.Qua bài đọc,những kỷ niệm tuổi học trò lại làm lòng ta bồi hồi.Nó phãng phất giống nhau đến từng chi tiết bởi vì tuy chúng ta và bạn Thiên Thanh không cùng CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG,nhưng chúng ta chắc chắn là cùng CHUNG MỘT MÁI NHÀ...VIỆT NAM.
Cảm ơn bạn THIÊN THANH.
PHUOCLUONGHUU

3 nhận xét:

Mai Ngoc Yến nói...

Chào bạn Thiên Thanh,
Rất vui khi có thêm một người bạn ở Mỹ Tho.Đọc bài viết của bạn thấy giống nhóm yamaha CMMT quá.Lúc nào có dịp mời bạn ghé về phố biển nhé,mà bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần ,sẽ có lúc cả đám tụi nầy sẽ kéo xuống thành phố của bạn,gặp bạn và quậy một trận đó nghen.Chúc bạn vui,khỏe,hanh phúc.Thân ái.

Nặc danh nói...

Mời bạn về mỹ tho.

Nặc danh nói...

Mình chọn ngày nầy để chào mừng các bạn. Ngày tốt 11/11/2011.
Thân chào tất cả các bạn.
Không cần nói nhiều người ta nói mình khách sáo.
Khi nào có dịp vào Mỹ Tho, mình đải các bạn món đặc sản thật ngon : hủ tiếu Mỹ Tho.
Trân Trọng.
Thiên Thanh