CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

HỌP BẠN ĐỒNG MÔN

                                      
Chúng tôi đã có một buổi sáng  thật thú vị, thật vui khi bất ngờ được Thầy Lâm Khương Nhàn và Cô Tôn Nữ Thị Hiếu giao nhiệm vụ….Số là Thầy Cô đứng ra tổ chức một buổi họp mặt các Cựu Sinh viên Viện Hán Học Huế tại Vũng Tàu vào 2 ngày 19_20/12/13. Tất cả khoảng 25..cụ ( vì hầu như các vị đều đã ngoài 70 tuổi trở lên). Theo lời Thầy thì đây là những vị cựu sinh viên kỳ cựu, từ khóa I đầu tiên đến khóa 5 của Viện, Thầy là lớp đàn em khóa 4, cô TNT Hiếu khóa 3 . ViệnHán Học Huế ra đời từ năm 1959 và bế môn năm 1965. Ngày xưa nghe đâu thi vào Viện Hán học rất gắt, một năm Viện chỉ tuyển 40 thí sinh trên toàn quốc ( chủ yếu là miền Trung, miền Nam chỉ được năm  bảy người rãi khắp các tỉnh thành   ). Những thí sinh dự tuyển phải là dân ban C( văn chương) và ban D (văn chương, cổ ngữ). Quả là gian nan, nhưng gẫm ra sự đời, chuyện gì cũng có cái hay cái dở. Dù “cơm nắm gian khổ” , chạy từ miền Nam ra mãi kinh thành Huế để dồi mài kinh sử, xa xôi cách trở như thế mà giờ đây cái tình của người phương Nam mới đậm đà, hoài nhớ một vùng đất thơ mộng, với những người anh, người chị, người em của cả ba miền đất nước, đã một thời sách đèn gắn bó….
Đến với buổi họp mặt, chúng tôi những đứa học trò cũ của Thầy mới chứng kiến được rõ ràng sự uyên bác, tinh thần vui tươi, của các vị tiền bối thật đáng ngưỡng mộ…Trong gian phòng trang trọng, lịch sự, khung cửa sổ kính mở ra bãi Thùy Vân dưới kia với bầu trời thênh thang, biển sóng vỗ bờ trắng xóa tạo một cảm giác thật thoáng đãng, hữu tình. Hai mươi lăm cụ ông và cụ bà lịch lãm, nét mặt tươi vui rì rầm hàn huyên nhìn thật chân tình thắm thiết. Tưởng tượng mà xem, một khóa học của Viện là 5 năm, từ người đàn anh khóa 1 ( Thầy Phan Thuận An, một nhà Huế học nổi tiếng, người đã góp công lớn trong Tư liệu Viết, đưa Huế vào danh sách Di Sản Thế giới) cho đến Thầy   Ngọc Châu khóa 5( khóa cuối cùng), cụ trẻ nhất trong nhóm cũng phải ngoài thất thập. Vậy mà, thật ngạc nhiên khi mọi người vẫn rất lãng mạn, rất dí dỏm, hài hước trong suốt buổi họp mặt cứ khiến tôi ngẩn ngơ thán phục.
Trước buổi họp mặt nửa tháng Thầy Lâm Khương Nhàn đã gọi tôi đưa …cuốn Chương trình tổ chức  với những kế hoạch thật chi tiết và chu đáo. Ngay tại Vũng Tàu ,Thầy và Cô Tôn Nữ Thị Hiếu ( có một lợi thế thật tuyệt là do hai người con trai của cô Hiếu  là đương kim Tổng Giám đốc Cty Intourco và Giám đốc Khu Resort Intourco VT đã rất nhiệt tình hổ trợ). Thầy và Cô cùng các vị nắm đầu mối liên lạc như Thầy Phan Đình Trừng ( khu vực Saigon_ Đông Nam bộ)., Thầy Ngô văn Tiên ( khu vực Tây Nam bộ), Thầy Lý Văn Nghiên( khu vực miền Trung), thầy Nguyễn Bá Yên( Cần Thơ) đã phối hợp cùng nhau lo từng phần việc cho ngày họp mặt, liên lạc nối kết để thực hiện được một buổi họp mặt thật tuyệt vời.
Đúng là các cụ …cựu trí thức, người nào cũng y phục chỉnh tề, ai được mời lên phát biểu cũng “veston, cravat” trông thật trang trọng, còn những vị …”nghệ sĩ” thì lại đơn giản , thoải mái nhưng cũng không kém phần lịch lãm. Các cụ bà tuy đã ở tuổi bảy , tám mươi cũng còn điệu đàng lắm lắm… chả biết thế hệ chúng tôi mai nầy có được phong thái như thế chăng?
Ban Tổ chức lên chương trình cũng thật khác mà hợp lý, theo tôi là hay. Ngày đầu tiên đến Vũng Tàu, Thầy Cô tôi để mọi người nghỉ ngơi rồi đi tham quan một số thắng cảnh của địa phương trước,  (do vậy tôi bỗng nhiên thành.. Hướng Dẫn viên bất đắc dĩ khi đoàn ghé thăm TV Chơn Không) sau đó, ngày thứ hai, ngày chia tay,mới là buổi họp mặt, ngồi lại tâm tình cùng nhau diễn ra để kết thúc chuyến đi 2 ngày ngắn ngủi mà thật ấn tượng…
Sau vài lời giới thiệu Khai mạc, chúng tôi bốn người đại diện cho học trò cũ của Thầy Cô tại VT lên cài hoa và tặng quà lưu niệm của Ban Tổ Chức cho 25 vị . Nội dung buổi họp mặt diễn ra thật ấm áp, trang trọng không kém khi Thầy Phan Thuận An, người đàn anh lớn nhất lên phát biểu và gợi hướng duy trì tiếp tục  việc tổ chức tiếp những buổi họp mặt sau. Bọn chúng tôi ngồi nghe các …bô lão hào hứng đóng góp ý kiến mà thán phục cho tinh thần sung mãn, vui sống của các vị. Sau những đóng góp và biểu quyết thống nhất, các cụ đều một ý yêu cầu “ tổ chức họp mặt mỗi năm 1 lần – và cuộc họp mặt sẽ diễn ra khắp các tỉnh thành miền Trung ,miền Nam – nơi các  quý bạn đồng môn cựu SVVHH đang cư ngụ ” - vì ở cái tuổi nầy rồi sẽ chẳng còn được bao lâu nữa mà gặp nhau. Ôi thật tuyệt!
Giây phút ấn tượng với tôi nhất là khi được nghe và nhìn thấy chất nghệ sĩ của các vị trong những tiết mục góp vui( phải nói là bọn trẻ chúng tôi thua xa).  Đầu tiên cô Tôn Nữ Thị Hiếu đã…  “khởi động” chương trình Giao lưu bằng hai bài thơ thật chân tình vừa được Cô sáng tác với chất giọng Huế thật nhẹ nhàng , sâu lắng:
                            NHỚ MÃI HÔM NAY.
                        Gặp nhau mười chín tháng mười hai
                        Tuổi vượt bảy mươi hạnh phúc đầy
                        Hán học, trường xưa luôn gắn bó
                        Tình bạn keo sơn thắm thiết hay
                        Tiếng cười sum họp sao vui quá
                        Giọng nói thân thương quí hóa thay
                        Mong ước mai nầy còn gặp lại
                        Thời gian kéo dài mãi không …phai!
            
                           MỪNG TÁI NGỘ BẠN HIỀN.
                ( Dành riêng cho bạn bè Khóa 3 của Cô)
                      Bạn ơi, Hiếu nhớ mãi hôm nay
                      Thế, Hòa, Du, Lựu, lớp cũ đây
                       Nhớ đức ân sư cao như núi
                      Tình nghĩa bạn bè đẹp như mây
                      Nhung nhớ sắc sâu thời hoa mộng
                      Đất khách tình quê mãi đong đầy.
                      Cảm ơn Trời Phật cho tương ngộ
                      Trường xưa thắt chặt…mối duyên nầy.
Bạn tôi, ca sĩ Hồng Anh đã ru mọi người bằng những bài tình ca của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên đầy cảm xúc khiến các Thầy hào hứng liên tục ôm …diễn đàn với những bài hát cộng đồng hay tình ca của Từ Công Phụng, Vũ Thành An…. Phải nói rằng rất đặc sắc không ngờ.
Thầy Phan Thuận An làm tôi cảm động và thích thú bất ngờ khi Thầy nhắc lại một bài hát đã được cùng bạn bè học từ người thầy đầu tiên trong khóa học của Viện, bài hát nầy ngày còn bé bọn chúng tôi cũng hay ê a hát mãi, mà hát thật vô tư, bây giờ nghe các lão tiền bối vừa vỗ tay vừa hát thật xúc động làm sao:
                           “ Cái nhà là nhà của ta
                              Công khó Cha Ông lập ra
                          Cháu con phải gìn giữ lấy
                         Muôn năm với nước non nhà.
Và…rồi lại cũng Thầy với một bài Đường thi, tôi đã từng rất thích, Thầy ngâm thư thả, rồi bất chợt chuyển sang một giai điệu nhạc hòa với giọng Thầy Lý văn Nghiên thật tuyệt vời!
                                     
                                   “ Xuân du phương thảo địa
                                     Hạ thưởng lục hà trì
                                    Thu ẩm hoàng hoa tửu
                                  Đông ngâm bạch tuyết thi”
Nhắc đến Thầy Nghiên, thật vui, ( Thầy học khóa 2), đã ngoài 70 nhưng thật năng động, hoạt bát, và..nghệ sĩ nhất. Thầy hát  một lúc ba bài hát “ Bài Thánh ca buồn, Em đến thăm anh đêm 30, Bài cho em” nghe thật truyền cảm.
 Không những thế, khi Hồng Anh hát bài Ngậm ngùi, Thầy ngẫu hứng …phụ bè bằng cách đọc nối lời hát như thơ làm cả khán phòng như ngưng đọng.Sau này tôi mới biết chính Thầy phổ nhạc bài Đường thi trên.
Hình như các Thầy “ xuất khẩu thành thơ” là chuyện…bình thường nên cứ nói xong là ngâm đọc ngay mấy câu, chỉ tiếc là tôi không thể nào có sẵn giấy bút và thời gian để ghi lại, ra về mà cứ “ấm ức “ trong lòng.
Các cụ ông đều thích dòng nhạc thính phòng trữ tình nên các bài hát của Từ Công Phụng, Vũ Thành an được  cất lên nhiều nhất. Không ngờ ở cái tuổi bảy, tám mươi mà chất giọng của các Thầy vẫn còn mạnh mẽ và trầm ấm thật truyền cảm. Vui nhất là khi Thầy Châu( khóa 5) lên hát một bài ca trong sinh hoạt Hướng đạo, Thầy vừa hát vừa ra điệu bộ  không ai nhịn được cười.  
Thầy Hịch lại cất công sáng tác một hoạt kịch dài, lên độc diễn một mình, tự đóng hết các vai. Vở kịch Thầy dựng để nhắc lại những giai đoạn thời sự, khung cảnh, những ảnh hình của năm 1962 và về GS Nguyễn Hữu Châu Phan  ,một  vị giáo sư trẻ trung , lịch lãm – một nhà  sử học và một nhà sưu tầm, lưu giử sách quý nổi tiếng.  Hiện Thầy Châu Phan vẫn đang an cư nhàn nhã tại Huế  Một  trước tác mang loại hình lạ lẫm và thật là kỳ công đáng nể.
Ôi..cuộc vui nào rồi cũng phải tàn thôi, có hợp ắt phải có tan.  Đồng hồ chỉ 13.40h, Bài” Nối vòng tay lớn” vang lên trong khán phòng qua giọng thầy Nghiên cùng tiếng vỗ tay của các bô lão hệt như những người tuổi trẻ… Thầy Nhàn – trong vai trò vừa trưởng ban tổ chức ,vừa là MC -thông báo sắp sửa bế mạc và Thầy tuyên bố khi bất cứ một vị nào đứng lên rời chỗ ra về đầu tiên thì Thầy Lý văn Nghiên sẽ cất lên bài “ Au Revoir” để chính thức …chia tay.
Thầy Lý Văn Nghiên  đứng lên, trông Thầy hao hao giống cả hình dáng lẫn giọng hát khỏe trầm ấm của ca sĩ Duy Khánh thuở nào khởi giọng, bắt nhịp cho cả đoàn cùng đồng ca bài “Au-revoir”  . Các Thầy Cô đều đứng lên, cùng tìm đến gần, thật gần lại bên nhau, chào nhau, lưu luyến, bịn rịn… Những bàn tay nắm lấy bàn tay, siết lấy những  bờ vai thật chặt kèm lời hẹn một ngày gặp mặt ở tương lai gần. Mong sao thời gian không làm các vị suy giảm sức khỏe, tinh thần vẫn sung mãn, vui tươi để hằng năm ..hằng năm lại gặp nhau sum vầy như thế nầy., tôi không là những nhân vật chính nhưng sao trong lòng cứ cầu mong cho Thầy Cô của tôi và các đồng môn luôn giữ mãi được những khoảnh khắc hiếm hoi mà hạnh phúc nầy. Hạnh phúc của  tuổi hạc tuyệt vời!  
                                                                                                        21/12/13_ A.N.
Ảnh trong bài : Lương Hữu Phước
A.N

  Xem thêm : PHỦ THỜ CÔNG CHÚA TRIỀU NGUYỄN 
Không đơn giản là phủ thờ, ngôi nhà vườn của công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em gái vua Khải Định) còn nổi tiếng về luật phong thủy cùng nhiều cổ vật của triều đình nhà Nguyễn được lưu giữ nguyên vẹn. 

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn tọa lạc ở số 31 đường Nguyễn Chí Thanh (TP Huế). Phủ được xây dựng năm 1921, dưới thời vua Khải Định. Qua chiếc cổng đơn giản, với hai trụ cổng đắp nổi hai con "Lân mẫu xuất lân nhi" là con đường uốn lượn dẫn vào nhà.
Ngôi nhà vườn 3 gian hai chái hướng mặt về phía Tây, quay lưng ra đường để tránh tiếng ồn và bụi bặm, đồng thời tạo không gian yên tĩnh để thờ phụng và sinh sống. Hai bên sân trước nhà là hai khối đá với hình thù đặc biệt tượng trưng cho hai yếu tố rồng chầu hổ phục (tả long hữu hổ) của thuật phong thủy.
Gian giữa nội thất phủ thờ công chúa Ngọc Sơn với hoành phi, câu đối treo hai bên. Phía trong thờ "tiền phật hậu linh". Bàn thờ được đặt ở vị trí chính giữa với ảnh thờ của công chúa Ngọc Sơn, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn và quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân.
Châu bản vua Khải Định ban cho công chúa Ngọc Sơn được cất giữ cẩn thận và còn nguyên vẹn sau gần 100 năm.
Cùng với đó là bộ đũa công chúa và gia đình hay sử dụng.
 Và nhiều cổ vật từ thời công chúa vẫn được lưu giữ.
Tăm của gia đình công chúa và triều đình được thiết kế làm hai đầu. Một đầu nhỏ để xỉa, đầu to hơn và được đập dập để chà răng.
 Đáng chú ý là 3 chiếc huân, huy chương của triều đình tặng cho công chú Ngọc Sơn và phò mã về những công đức đóng góp của hai người.
 Bộ tiền xu từ thời vua Minh Mạng, vua Đồng Khánh,vua Khải Định và vua Bảo Đạị. Trong đó đồng tiền của vua Minh Mạng (bên trái, phía trên) mang tên "Minh Mạng thông bảo" có khắc lời vua dặn: "Chí công, chí chính, vô đảng, vô thiên", tạm dịch là công tâm, ngay thẳng, không lập bè phái chống đối nhau, không thiên vị cho ai.
 Trò chơi xăm hường của gia đình vua quan cũng được cất giữ cẩn thận. Việc tính điểm sẽ phụ thuộc vào các bảng ghi từ trạng nguyên, bảng nhãn đến thám hoa, tiến sĩ, cử nhân...
Ngay cạnh cửa ra vào, nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An còn cho treo bức châu bản của vua Bảo Đại khẳng định về chủ quyền Hoàng Sa. Bức châu bản này được ông scan lại sau khi đã hiến tặng bản gốc cho Bộ Ngoại giao. Mới đây, ông được Nhà nước trao tặng Kỷ niệm chương về sự đóng góp cho Chủ quyền biển đảo.
Thầy Phan Thuận An

Nguồn trích: http://vnexpress.net

Không có nhận xét nào: