CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

THƠM NGON BÁNH ÍT LÁ GAI


Thủa nhỏ tôi vẫn thích loại bánh gai gói bằng lá chuối, vỏ bằng nếp dẻo  màu đen đặc trưng, nhân là đậu xanh ngọt lịm lẫn vài sợi dừa,hạt đậu phông rang dã nhỏ béo ngậy cùng mùi vị thơm nồng mà khi lớn lên tôi mới biết đó là mùi dầu chuối.Nhìn chung, bánh gai từ Bắc vào Nam không ai xa lạ,chỉ khác chút về cách gói và nguyên liệu nhưng chủ yếu là bột nếp, đậu xanh và lá gai,loại lá mọc tự do ở bờ rào, ven đường quê  đã tạo nên màu đen kì diệu của bánh.
Ở miền Bắc gọi là bánh gai, gói kích thước hình vuông chu vi khoảng 10cm.Ở miền Trung gói thành hình tháp gọi là bánh ít lá gai,trong bài này tôi không kể về địa danh nổi tiếng làm bánh gai,cũng không kể về cách làm bánh gai cầu kỳ mà các bà, các mẹ, các chị vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp đã làm, hoặc có cả một làng nghề nổi tiếng chế biến kinh doanh phát đạt.Lá gai, nguyên liệu khiến cho chiếc bánh có màu sắc đen bóng đặc trưng tôi không biết vì sao có tên gọi như vậy, nhưng có lẽ do lá có răng cưa như những gai nhọn mà ông bà mình gọi thế cho tiện cũng nên!
Lá Gai
Dù gì đi nữa thì khi tìm hiểu tôi mới biết được trong kho tàng ẩm thực Việt Nam là muôn vàn món ngon vật lạ được chế biến từ sản vật thiên nhiên phong phú khắp mọi miền đất nước,bánh gai và bánh ít lá gai chỉ là một trong muôn vàn loại bánh tuyệt vời của quê hương từng làm nao lòng những ai xa quê hương tìm về nỗi nhớ là vậy. Lá gai dùng làm bánh còn làm thuốc phòng và chữa động thai theo y học cổ truyền được gọi tên thuốc là Trừ ma.Gai (Boehmeria) có 75 loài, ở Việt Nam có 10 loài. Gai được trồng hoặc mọc tự nhiên ở nhiều nước châu Á như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản... Gai sinh sản vô tính, bằng cách chiết cành giống như ở dâu tằm.
Như vậy, từ xa xưa, bánh gai không những ngon thơm mà còn có tác dụng làm thuốc Theo y học cổ truyền: Lá gai (trừ ma diệp) vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết, chi huyết (cầm máu), phá ứ  do đó dùng bánh gai là tốt cho sức khỏe không thể phủ nhận.Đến đây tôi chợt nhớ đến một câu nói truyền khẩu là “dân mình sống giữa rừng thuốc” rất chính xác,chứng tỏ nguồn dược liệu phong phú dồi dào hữu ích cho đời sống con người trong thiên nhiên từ bao đời nay là có thật.Sau này, sự tận diệt, khai thác quá mức các loài dược liệu mà không đường phát triển bảo tồn thiên nhiên cũng sẽ dễ dàng làm mất đi loài cây quý.
Cứ nghĩ vậy là tôi lo âu, sợ một ngày kia con cháu mình không còn được nếm hương vị chiếc bánh gai phối hợp nhiều hương vị đặc trưng và có màu đen độc đáo đang dần mai một giữa rừng bánh công nghiệp mà nao lòng.Gần đây, Phước Lương Hữu và Kim Hà về quê Phú Yên đã mang  tặng tôi những chiếc bánh ít lá gai do gia đình dưới quê Mằng Lăng làm,bánh thật ngon,đậm đà hương vị làng quê… đã gieo mãi trong tôi niềm cảm xúc ngọt ngào mà vấn vương nỗi nhớ để viết nên bài này gửi chút rung động về một loại bánh quê chan hòa tình cảm thân thương mà thủa nhỏ tôi thường được thưởng thức.Với tôi, bánh ít lá gai còn là tấm lòng quê hương thơm thảo ngọt lịm ân tình khiến những người con xa quê vẫn nhớ.
Quê hương luôn là chốn mãi hoài trong nỗi nhớ của những người con rời xa lưu lạc,nơi có những giòng sông trong mát dạt dào, có lũy tre, ruộng lúa bờ đê cùng cánh diều chao liệng trưa hè.Quê hương còn là nỗi niềm khát khao bình yên ấm áp của những người con đi xa trở về trong tình thân thương  họ hàng, bà con lối xóm.Quê hương còn là nơi ươm khát vọng tương lai của bao trái tim trẻ thơ đã lớn lên ngập tràn máu đỏ,tôi hiểu để nghe từ sâu thẳm hồn mình là dạt dào lời ru khúc ca dao hiền hòa của đất mẹ! Chao, chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ để rưng rưng niềm yêu tha thiết.
Chỉ cần hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài”Quê hương”
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Đủ để tôi thắt lòng khi nghĩ đến quê hương,mình đã xa tự lâu trên bước đường phiêu bạt chưa lần nào trở về và những chiếc bánh ít lá gai đậm đà thơm ngọt ấy khiến tôi nhớ mãi hoài không thể nào quên.
PHAN THỊ VINH
Hình ảnh : phuocluonghuu


3 nhận xét:

Đặng Tiến Dũng nói...

Quê hương có thể chỉ là nơi mình sinh ra!

Quê hương có thể chỉ là nơi mình có nhiều kỹ niệm!

Quê hương ai mà không nhớ dù phiêu bạt đâu đó.

Cũng vì tình yêu quê hương nên biết bao đời trước luôn giữ gìn gang sông tấc đất để con cháu đời sau sống trên chính quê hương mình và nói chính thứ tiếng của quê hương.

Bài viết của chị Vinh cho bạn đọc một chút ngon ngọt của chiếc bánh gai (mà tôi rất thích), một chút gì đó để ai đó luôn hiểu rằng, dù trong hay ngoài nước, nếu tự đánh mất quê hương, thì dù giàu sang phú quý cũng không đổi được như tâm tình của nhà thơ Đỗ Trung Quân!

Phan Vinh nói...

Cám ơn anh Dũng đã chia sẻ, lâu rồi mới gặp lại anh.Mến chúc anh và Phượng luôn hạnh phúc, an lành và may mắn.

Đặng Tiến Dũng nói...

Chị Vinh thân mến,

Rất cám ơn chị có lời rất quý đến hai chúng tôi.

Lâu nay vẫn đọc bài của chị, xem hình của anh Phước.

Chung Một Mái Trường và THVT 1968-1975 (nhà vợ, he he) vẫn là nơi chúng tôi ghé mỗi ngày nếu không đi xa (đi xa vẫn ghé, nhưng không thường).

Một bài viết cho THVT 1968-1975 đăng lên nên mời chị ghé đọc.

Những lời chúc tốt đẹp đến với chị và các anh chị mà tôi có biết qua trang blog của anh chị Phước Hà!