CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

CON KỲ TÔM MIỀN QUÊ DỄ THƯƠNG


“Kỳ nhông là ông kỳ đà
Kỳ đà là cha cắc ké
Cắc ké là mẹ kỳ nhông
Kỳ nhông ...”
Những câu đồng dao này thủa nhỏ bất kỳ đứa bé nào vào thời của tôi đều thuộc để nghêu ngao và cứ lập đi lập lại hoài cho đến khi muốn ngừng,nghiễm nhiên trong suy nghĩ của tôi tạm cho là như thế mà không chút thắc mắc.Kỳ nhông và kỳ đà ngày xưa ở Vũng Tàu có nhiều ở các đồi cát là hai loại bò sát là món ngon đặc trưng vùng biển được đặt bẫy ống tre, kỳ đà khá to, riêng kỳ nhông thì nhỏ,con to lắm chỉ cỡ 5cm vòng lườn,dài từ 20 đến 25 cm.Tuy nhiên tôi rất sợ các con vật này vì hình dáng của chúng khá dữ dội,so với khủng long khá giống nhau,chỉ có điều chúng bé tí chạy thật nhanh khi thấy người.
Sau này ở các nhà hàng, món kỳ nhông là hàng hiếm nhất là loại bắt ngoài thiên nhiên không do người nuôi giá khá đắt hơn 300 trăm ngàn một ký khoảng 4 – 5 con,vị chi 250gram một con được chế biến khá nhiều món:Nhông xào lăn, nướng mọi, nướng muối ớt…nấu cà ry!tùy theo tài hoa của đầu bếp chế biến.Ở các vùng khác có núi, cát đều có nhông,riêng ở Vũng Tàu hiện nay dường như rất hiếm,con kỳ nhông chỉ còn thấy qua hình ảnh, phim…và trẻ con luôn mơ hồ về loài bò sát độc đáo một thời là món ngon giàu đạm của cư dân Vũng Tàu.Việc đô thị hóa và sự truy lùng chúng đã khiến nguy cơ tuyệt chủng của kỳ nhông sống thiên nhiên là có thật.
Mà thôi, lan man mãi chỉ để tôi kể về một loài khác cùng họ với kỳ nhông là con kỳ tôm mà Phước Lương Hữu có chuyến về thăm quê Kim Hà ở Mằng Lăng Phú Yên và mấy đứa cháu dễ thương chụp ảnh giới thiệu trên Blog và Facebook.Thế là trong tôi bao kỷ niệm ùa về của một thời thơ ấu theo bạn đặt bẫy ống tre bắt kỳ nhông và loài kỳ tôm là loài khá dạn với người là loài bò sát cũng cùng họ với kỳ đà nhưng nhỏ nhắn, có vây, đổi màu rất đẹp và hiền. Kỳ tôm có nhiều ở đồi núi, sông suối ao hồ là môi trường sống rất tốt cho kỳ tôm. Cứ vào buổi chiều, khi mặt trời lặn là leo lên đậu ở các cành cây gần mặt nước, sáng xuống nước tắm rồi lên phơi nắng.Những người nuôi kỳ tôm làm cảnh yêu thích gọi con này là Rồng đất. Rồng đất có thân hình dẹp bên. Vảy thân thường nhỏ đồng đều. Có một mào cổ và mào lưng. Đuôi dẹp bên. Có 4 - 8 lỗ đùi (ở mặt trong đùi). Đây là 2 đặc điểm cơ bản để phân biệt rồng đất với các loài nhông khác. Mặt trên thân rồng đất có màu xanh thẫm, mặt bụng trắng, đuôi có những khúc xám nâu xen kẽ với những khúc vàng. Chiều dài cơ thể khoảng 240mm.
Chưa kể là trong ẩm thực kỳ tôm được cắt lấy tiết, lấy mật pha rượu, phần thịt xào sả ớt hoặc rô ti rất ngon mà nhiều người ưa thích.Trước đây tôi nhớ chỉ ăn thịt nhông,kỳ đà! Kỳ tôm là loại chúng tôi khi bắt được mang về nuôi rất gần gũi,dễ thương và rất thích khi chúng đổi màu thật đặc trưng theo tình huống riêng.Hiện nay, kỳ tôm được nuôi công nghiệp,kỳ tôm mới nở cho ăn sâu gạo, sau 1 tháng tập cho ăn cá biển, lươn, ếch, nhái băm nhỏ.Sau khi nở nuôi thêm 6 tháng là xuất bán giống. Ở các nước phương Tây, con vật này được người dân ưa chuộng nuôi làm cảnh và đem theo bên mình như vật cưng. Tại Việt Nam đã có một vài trang trại nuôi kỳ tôm xuất khẩu phục vụ nhu cầu đó.
Thời buổi hiện đại, con người có nhiều sáng kiến hơn trong việc nuôi dưỡng các loài tự nhiên hoang dã để phục vụ nhu cầu ẩm thực, giải trí của mình kể cũng lạ lùng và tôi, mãi đến tuổi hoàng hôn bỗng lại được gợi nhớ về thú vui thời thơ ấu, sự sợ sệt xen lẫn thích thú khi chạm tay vào con vật có hình dáng và màu sắc lạ lùng bé tí rồi cảm thấy làn da chúng mát lạnh, nham nhám khó tả  mà đến nay khi nhớ lại tôi chưa quên hẳn cảm giác này.Vậy đó,lâu lắm tôi đã quên vì sống mãi chốn thành thị không còn những con vật gắn liền với những câu đồng dao dễ thương, ngày ngày trong thế giới tuổi thơ dong ruỗi suốt các đồi cát, rừng sâu hòa cùng nhiều chim muông, sinh vật, côn trùng vừa dữ dội lẫn hiền lành sinh sống.Con người phát triển và tàn phá môi trường không  theo cách tận diệt đã góp phần vào hủy hoại nguồn sống  của muôn loài là vậy.
Bất giác, tôi cũng nghĩ đến các loài khác như cắc kè, rắn mối, thằn lằn…đến nay thế hệ các con cháu tôi khó tìm thấy trong thiên nhiên là điều đáng buồn.Rồi chuyện tìm mua tắc kè sống lâu năm với giá cao một thời rộ lên đã làm cho con vật này gần như mất hút,không kịp sinh sôi.Ôi, biết đến bao giờ xứ mình yêu quý thiên nhiên,bảo tồn động vật hoang dã?Đến bao giờ các loài thân thiện với môi thường được nuôi dưỡng, tự nhiên sống mà không sợ bất kỳ sự săn đuổi nào của con người chưa kể sự cạnh tranh khắc nghiệt sống còn của muôn loài?cứ nghĩ đến  tôi lại thấy đời sao phức tạp và thiên nhiên quả là tuyệt vời nuôi sống loài người hiền hòa bao đời nay.
Tôi vẫn tin, một ngày nào đó thật gần, người và loài vật thân thiện, sống bên nhau hiền hòa trong đó có con kỳ tôm dễ thương không những chỉ ở miền quê mà có ở nơi đô thị.Bạn có ước vậy không?
PHAN THỊ VINH

Không có nhận xét nào: