Hồi còn đi học,đố có đứa học sinh nào bỏ qua được món trái cóc ngâm cam thảo ngọt ngọt chua chua được người bán gọt vỏ, tách trái như hình cầu có cánh hoa khá đẹp,thậm chí sau này người bán chẻ đôi trái cóc cho dễ dàng cũng khiến bọn học sinh mê “tít thò lò”.Cứ nhìn những trái cóc ngâm trong keo thủy tinh to tướng bán trước cổng trường, chỉ cần giờ ra chơi là hết sạch đủ thấy sức quyến rũ của loại trái cây được trồng khá nhiều ở miền tây nam bộ, ở miền đông như Vũng Tàu cũng có nhưng bây giờ khá hiếm do tốc độ đô thị hóa,ở Bà Rịa và các huyện khác cũng còn nhưng đã giảm nhiều.
Trái cóc phần lớn được ưa chuộng khi còn xanh để chế biến nhiều món ăn như:Làm gỏi với tôm khô,cá khô hoặc “tây” hơn như chà bông, xúc xích,Jambon trộn với nước mắm ngon pha đường,tỏi,ớt... ăn rất bắt miệng, hấp dẫn khi “đưa cay” cho những cuộc nhậu dễ ăn và đỡ ngán bởi vị chua ngọt,mặn mà từ cách chế biến tài tình của người thực hiện.Trái cóc xanh còn được nấu canh cho vị thơm, chua dịu đặc trưng riêng vào những buổi trưa hè nóng nực khiến ngon miệng bất cứ ai, trái cóc xanh khi ăn vào luôn cả vỏ khiến người khỏe hơn, ngừa cảm cúm lúc giao mùa!Do đó, mỗi khi thấy người ngầy ngật mỏi mệt,tôi mua ngay chục cóc về nhà rửa sạch ngồi nhai nhâm nhi để nghe vị chua và chút hương nồng nồng là lạ của vỏ trái phối hợp chút mặn mặn của muối ớt làm tỉnh người tức khắc.Sau này tôi mới biết, vị chua của trái cóc chính là vitamin C giúp cơ thể đề kháng bệnh tật,nhất là cảm cúm.
Khi trái cóc chín vàng có mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt chua quyến rũ ăn hoài không chán...đến mùa cóc chín đi bất cứ chợ nào cũng bán tràn ngập ở các quày hàng, trên các xe đẩy góc đường,vỉa hè phục vụ người mua,lúc trước tính bằng số lượng chục,sau này cân ký để dễ tính toán, trái to hay nhỏ đều cộng kí lô cho chắc.Trái cóc ngoài chế biến món ăn còn dùng để ép,xay sinh tố thêm sữa, đường thành thức uống giải khát ngon ngọt uống vào khó quên hương vị quê nhà dù đã đi xa bỗng chợt nhớ.Cứ nghĩ tới là bắt thèm để nghe từ sâu thẳm cõi hồn xa xôi thời cắp sách đến trường giờ chỉ còn hoài niệm,khi tóc xanh bạc màu và chân trần đã mỏi một kiếp bôn ba mơ hồ nghe hương thơm, vị trái cóc có tên gọi trùng với con cóc là cậu ông trời mà truyện cổ tích một thời tuổi nhỏ mê mải đọc sách ở hiên nhà.
“Trái cóc chín vàng thơm hấp dẫn
Nếm chút tình dân dã làng quê
Để hồn nghe lắng đọng một đời
Xao động cánh diều bay chấp chới.”
Tôi cứ nặng lòng về những hương vị của trái cây quê hương gắn bó với mình thời nhỏ, giản dị nhẹ nhàng không chút kiêu sa như những loại trái cây ngoại là:táo, lê, nho...đắt tiền vẫn nhạt nhẽo không chút vấn vương ưa thích.
Vậy đó,chỉ cần bữa ăn có dĩa trái cóc trộn tôm khô tôi đã có thể mơ màng về chốn xưa thời đam mê cháy bỏng ước mơ thiên đường nay chỉ là dĩ vãng.Với ai tôi không biết nhưng riêng mình sao cứ mãi hoài dong ruổi vào những giấc mơ mộng mị cõi thần tiên của những đêm trăng sao ngập kín bầu trời mà nhớ về hoàng tử cuộc đời lúc tuổi còn là tóc dài buông xõa!!! Hoàng tử chỉ có trong cổ tích nhưng bất cứ thiếu nữ nào mà chẳng mơ ước mông lung...Cứ mơ, cứ mơ đợi thời gian qua đến khi tuổi thôi mộng ước chợt giật mình thì bóng đã ngả hoàng hôn là vậy,Hờ hờ! Có bao người xa quê hay vọng tưởng vị chua chua của trái cóc đậm đà len lỏi nỗi nhớ khát khao mùi hương quen thuộc?!?Riêng tôi nhớ mãi nhớ hoài khó quên dẫu tận cùng nỗi nhớ.
Có lẽ khát vọng trong tôi chưa chịu ngủ yên, khát vọng của thời son trẻ không đạt thành nên day dứt mãi hoài là vậy.Muốn quên đi cứ nhớ như chưa từng được nhớ và trong tôi chợt nhớ câu ca dao bài Tát nước đầu đình:
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có,mẹ già chưa khâu...”
Trời đất ơi, lời tỏ tình ý nhị đầy chất thơ của người xưa đã làm tôi lãng đãng một thời hoa mộng,trách sao vị chua chua của trái cóc xanh cứ làm cho hồn tôi thổn thức?Nóng bỏng những dòng thơ yêu thương về tình yêu cứ như giòng nhạc bổng trầm gieo mãi vào đời mình lắng đọng nỗi đam mê, chỉ cần thoáng chút thơm, vị chua trái cóc đã làm tôi chìm đắm vào cõi xa xôi khi mình còn là cô bé tóc thề mơ mộng nắng xuân về.
PHAN THỊ VINH
1 nhận xét:
Ngọt bùi cay đắng (chua mặn nữa, he he) làm cho đời thêm ý nghĩa, nhưng hết niềm cay đắng này đến niềm cay đắng khác thì có quên không như lời bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Thành:
Ta ước mơ một chiều thêu nắng
Em đến chơi quên niềm cay đắng
... và quên... đường về.
* bài Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa
Tôi nghĩ tuổi học trò là tuổi đáng nhớ nhất vì có biết bao là kỷ niệm, nhưng cũng có khi người ta nhớ về những ngày cũ vì ngày mới không có gì để nói!
Đăng nhận xét