Giáng Sinh lại sắp về và một năm mới sắp đến trong không khí se
lạnh.Vũng Tàu mãi đến mười giờ sáng mới có nắng nhạt màu lung linh xuyên qua kẽ
lá,sự nhộn nhịp chào đón Giáng Sinh và năm 2014 đã tưng bừng từ khắp các nhà
thờ,nhà hàng khách sạn, đường phố và trong nhà của những giáo dân,tiếng nhạc
Giáng Sinh cũng đã vang lên tưng bừng.Giáng Sinh đã từ lâu không chỉ dành riêng
cho người có đạo nữa mà ai cũng có thể đón sự kiện này rất thoải mái, nồng
nhiệt.Với tôi, từ thủa còn đi học,do học trường trung học tư thục Thánh Giuse
Vũng Tàu nên chuyện đón Giáng Sinh luôn là điều đương nhiên dù tôi là người
ngoại đạo.
Hera Palace ( Thắng Tam-Vũng Tàu )
Dù sao thì tôi vẫn mê mẩn không gian nhà thờ Vũng Tàu luôn được
trang hoàng rực rỡ chào đón đêm Chúa sinh ra đời, mê những hang đá nơi có Chúa
Hài Đồng nằm trong máng cỏ, mê những cây thông Noel nhấp nháy đèn và những trái
châu sắc mầu rực rỡ,dĩ nhiên là những ca khúc mừng Giáng Sinh cứ như mê hoặc
tôi bằng những giai điệu réo rắt lâng lâng không thể quên với bao kỷ niệm thời
học sinh thơ mộng màsau những giờ tan học, tôi mê mải bước dọc theo những cửa
hàng bán các vật phẩm,thiệp chúc Giáng Sinh tuyệt đẹp.Thủa ấy,phương tiện không
hiện đại như bây giờ nhưng với tôi là những kỷ niệm khó quên, những trang thư
viết vội, những câu thơ nhung nhớ của tình yêu tuổi học trò cứ thế nồng thêm
trong trái tim vốn hay lãng mạn của nhiều học sinh thời ấy.
Ca khúc Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night) cũng khiến tôi ngỡ ngàng
khi lần đầu tiên được nghe thật tuyệt diệu không thể tả.Tôi, con bé mộng mơ
lãng đãng thường lang thang suốt các con đường quanh nhà thờ cùng chúng bạn cầu
nguyện hòa bình trong đức tin Chúa ở trên cao thấu hiểu những đau khổ của con
người,chỉ mong Người ban ơn đến tất cả sự an lành,hạnh phúc.Vậy đó! Đã bao mùa
Giáng Sinh, bao biến động cuộc đời rồi cũng đã qua.Mỗi mùa Giáng Sinh đến luôn
gieo trong tôi những hoài nhớ về kỷ niệm thời học sinh xa lắc cách nay đã hơn
bốn mươi năm,quãng thời gian ấy tôi luôn ngỡ như mới hôm qua rồi thảng
thốt hiểu rằng đã lâu rồi tuổi trẻ trong tôi đã dần lùi xa mãi,xa mãi nhạt nhòa.
Đêm nay, tôi lại
lang thang một mình trên con đường quanh nhà thờ,ngắm ngôi trường xưa vừa mới
được sửa sang khang trang, ngắm ngôi nhà thờ Vũng Tàu được trang hoàng lộng lẫy
mà bồi hồi nhớ về kỷ niệm.Chỉ còn vài ngày nữa là đến Giáng Sinh, tôi thấy mình
hạnh phúc bình yên với niềm tin về lời Chúa
Giêsu nói: “ Hãy yêu mến kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình; hãy chúc lành
cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình” để thấy Chúa quả là
bao la nhân hậu.Lời dạy đơn giản như thế nhưng đã có mấy ai làm được?mấy ai
hiểu hết triết lý cao siêu từ lời khuyên ấy để vận dụng cho mình sống tốt đẹp
hơn?Dường như ai cũng phải rèn luyện mình suốt đời mà chưa chắc đạt được, tôi
thầm nghĩ như vậy.
Kể từ khi rời
trường trung học, mãi đến mấy mươi năm sau,khi tóc xanh nhạt màu và tuổi đã
hoàng hôn bạn bè tôi mới gặp lại,gặp nhau mừng vui nếu không phải là nhờ nhân
duyên và phép lạ? một sự huyền bí kỳ diệu hiếm có để cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ
buồn vui cuộc sống.Những buổi uống cà phê, họp mặt đã làm ấm áp tình cảm
bạn bè chân tình.Ừ, nếu không có trang Blog Chung Một Mái Trường do Phước Lương
Hữu làm chủ thì biết đến bao giờ bạn bè mới tìm gặp nhau?khi gặp rồi, tôi lại
càng hiểu rằng sự chung tay và nhiệt tình cũng đòi hỏi sự kỳ công,chăm sóc, vun
bồi cho chốn ấy ngày càng ấm áp thật không dễ chút nào.Đúng vậy, Hữu Phước đã
và đang làm điều đáng quý không ai bắt buộc và Kim Hà cũng đã tạo nhiều điều
kiện khiến bạn bè gần nhau hơn,mến yêu nhau hơn từ trang Blog riêng mà
chung này.
Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, tôi và các bạn
gặp lại nhau khi tuổi đã hoàng hôn,lúc vui lúc buồn nhưng chủ yếu là vui thoải
mái,là những rộn rã của tình bạn học trò bao năm gặp lại,tô điểm thêm những
hạnh phúc vốn đã có của mỗi người thêm hương vị.Đó là hạnh phúc không dễ kiếm
tìm mà nói ra tôi lại cứ lâng lâng hiểu về khung trời có thật, về bình yên được
kết bằng những lần bạn bè gặp nhau đùa vui tìm lại kỷ niệm,những khoảnh khắc ấy
đã đem đến cho tôi giấc ngủ ngon nhiều mộng đẹp, những giây phút lâng lâng từ
những gương mặt nay đã có nhiều nếp chân chim, những chia sẻ về kinh nghiệm
sống, những bệnh tật nhọc nhằn chợt nhẹ tênh khi được cùng sẻ chia,thú vị vô
cùng.
Thêm một mùa Giáng Sinh và năm mới đến, thêm nhiều kỷ niệm của 365
ngày sắp qua được ghi lại bằng hình ảnh, văn thơ tôi vẫn thấy rằng chưa đủ,
biển lúc nào cũng dạt dào mênh mông,những kỷ niệm đẹp sẽ như những hương thơm
ngào ngạt của ngàn hoa tô điểm cho tình bạn chúng ta luôn nồng ấm, vững bền.Tất
cả đã là những điều cảm xúc rất thật trong tôi mỗi khi nhớ về các bạn rồi chìm
dần vào giấc ngủ bình yên! Bạn có nghe chăng ca khúc Đêm Thánh Vô Cùng khiến
chúng ta thêm chiêm nghiệm về sự huyền diệu của đấng toàn năng Thiên Chúa?.Mến
chúc các bạn Chungmotmaitruong một mùa Giáng Sinh an lành hạnh phúc, năm mới
2014 vui khỏe, tràn ngập hạnh phúc như ý bên người thân, gia đình, các
bạn nhé.
PHAN THỊ VINH
ảnh: Lương Hữu Phước
ảnh: Lương Hữu Phước
LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC BẢN NHẠC
Silent night" đã được dịch thành hàng trăm thứ tiếng và được cất lên hàng triệu triệu lần vào những dịp cuối năm.
Bài hát này vang vọng từ những ngôi nhà thờ nhỏ bé ở Andes cho đến những thánh đường hoành tráng ở Antwerp hay La Mã. Ít ai biết được “Silent Night” lôi cuốn bao người có một nguồn gốc kỳ lạ. ..
Làng Salzburg ( Áo )
Câu chuyện bắt đầu từ 11-12-1792, tại Salzburg, Áo. Cậu bé Joseph Mohr sinh ra trong gia đình một thợ đan nghèo, cha bỏ đi. Đến ở với bà ngoại nghèo khổ túng thiếu, mỗi khi đói rét, Joseph thường lang thang đâu đó để quên đi. Chính những lần cuốc bộ đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu và cả cách thức chào đón Noel trên thế giới.
Một lần, Joseph ghé vào một nhà thờ trong làng và gặp ông Johann Hiernle, người chỉ huy dàn hợp xướng. Joseph bắt đầu tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhận thấy tài năng thơ ca, âm nhạc của Joseph, khi cậu đủ tuổi, Hiernle cho cậu vào học tại một trường ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster. Rồi Joseph tốt nghiệp trường dòng, được phong linh mục khi vừa 23 tuổi. Về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, Joseph sáng tác rất nhiều bài thơ. Xúc cảm từ một mùa Noel tuyết trắng phủ không khí yên ắng của đất trời trong một buổi sáng nọ,Joseph ngồi xuống chiếc bàn gỗ và viết một mạch bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa là “Silent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!).
Bản viết tay bài thơ " Stille Nacht ! Heilige Nacht "
Rồi Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas. Đêm trước Noel 1818, cây đàn dương cầm bị hỏng. Không thể để ngày Noel thiếu lễ nhạc, cha Joseph nảy ra ý định cho ca đoàn hát cùng với tiếng đệm guitar. Thời gian cấp bách, ông nhớ lại bài thơ ngắn “Stille Nacht! Heilige Nacht!” và đề nghị Franz Gruber (người chơi đàn cho nhà thờ) lo phần nhạc, Joseph đệm guitar và hát giọng nam cao, Franz hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng... Nhưng không, chỉ nghe thánh thót luyến láy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu Silent Night phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Một Noel thật đáng nhớ.
Sau đó Joseph Mohr được thuyên chuyển đến nơi khác và trong suốt 7 năm sau đó Silent Night đã chẳng bao giờ được cất lên.
Chân dung Nhà Thơ và Nhà Soạn Nhạc
Tình cờ một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sửa xong, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Khi Gruber lướt phím xướng cho đoạn nhạc mở đầu của Silent Night, Mauracher cảm ngay vẻ đẹp bài hát nên xin đem cả nhạc và lời của “Silent Night” về làng Kapfing. Hai gia đình ban nhạc nổi tiếng Rainers và Strassers được mời thưởng thức và liền bị cuốn hút, quyết định đưa bài hát mới vào các lễ hội âm nhạc mừng Noel. Sau đó nhà Strasser đã đưa Silent Night vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho Đức vua Frederick William đệ IV của nước Phổ, quá ấn tượng, vua truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Noel.
Gia đình Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York. Năm 1863, Silent Night được Jane Campbell và John Young dịch sang tiếng Anh. ..
Bảo tàng Silent Night và Nhà Nguyện kỷ niệm tại Oberndorf
Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”.
Click vào hình để nghe bản nhạc" Stille Nacht " bản tiếng Đức
( nguồn : daminhvn.net )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét