CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

MỘT CHÚT TÔI VÀ NHẠC TRỊNH


Tôi biết không chỉ riêng tôi mà rất ..rất nhiều người đều yêu nhạc của ông. Một nhạc sĩ tài hoa, đầy lòng khoan hòa, độ lượng… Sau ngày ông ra đi để lại bao tiếc thương,bao giấy mực viết kể về ông, vậy mà đã 12 năm rồi. Hôm nay lại là ngày giỗ của ông. Xin cho tôi được thắp lên đây một nén hương trầm tưởng niệm, và cho tôi được thả hồn mình về lại những tháng ngày đã biết thế nào là thơ trong nhạc, những cảm xúc của một thuở đầu đời , cũng như giờ đây hơn… cái tuổi người xưa bảo rằng “tri thiên mệnh”!
Thuở ấy, khi được làm cô trò nhỏ, xum xoe chiếc áo dài trắng bước chân vào ngưỡng cửa bậc Trung học, tôi thấy như mình đã lớn lắm…mà có lẽ vậy, bởi từ bé bị… giam trong bốn bức tường do mẹ tôi là con gái Bắc cổ xưa và ba thì lại theo đạo Khổng, tôi hầu như già trước tuổi. Cả ngày ru rú trong xó nhà, không được đi đâu ra đường ngoài giờ đi học, thú giải trí độc nhất của tôi là nghe ké nhạc của ba mẹ: những bài hát tiền chiến của Phạm Duy, Văn Cao,Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Doãn Mẫn…hoặc đọc lén những cuốn tiểu thuyết của bà Tùng Long, của Lê văn Trương như Tôi là Mẹ hay Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng…Đầu óc non nớt của tôi từ ấy đã vẩn vơ, lãng đãng chẳng còn hồn nhiên mấy như bao con bé 12, 13 tuổi nữa mà phải nói là:” nữ thập tam” hay như Ngô Thụy Miên :” trời hôm ấy 15 hay 18, tuổi của nàng tôi nhớ chỉ 13”…Bởi thế, dạo ấy khi nghe được những bài hát của Trịnh Công Sơn, tôi thấy mình thoắt lớn hẳn, chả còn là con bé con nữa. Tôi đã thấy đau đáu nỗi buồn, nỗi day dứt của những: “ Gia Tài của Mẹ”, “Đại bác ru đêm”, “Đàn bò trong thành phố”,” “Hát trên những xác người”, đã thấy màu sắc của chết chóc, mất mát và khủng khiếp của chiến tranh dù thành phố tôi sống đang rất bình yên. Lớn hơn một chút tôi đã biết lãng đãng, thả hồn cùng mây gió, vu vơ nhiều hơn với những nỗi buồn chẳng có tên.…” trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi, từng phiến mây hồng em mang trên vai, tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi quay tận cuối trời..” ( Tuổi đá buồn), …” Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em, tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…”( Như cánh vạc bay) hoặc :” nầy em đã khóc chiều mưa đỉnh cao, còn gì nữa đâu sương mù đã lâu, em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”…(Mưa hồng)…Những “Ướt mi”, “ Biển nhớ”, “ Tình xa”, “Tình sầu”…cứ lẻo đẻo theo tôi cho đến một kỷ niệm chẳng thể nào phôi phai khi ngỡ ngàng gặp một người nhìn” khô như sỏi, người không có tim” ( người ta gán cho anh như thế) trong một buổi chiều đông lạnh, cây guitar bập bùng những giai điệu quen thuộc đã bị đưa vào quên lãng được cất lên “…Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động, làm sao em biết bia đá không đau, xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”(Diễm xưa). Sỏi đá vẫn cần có nhau, huống nữa là người, vậy mà…Cuộc đời đâu dễ dàng cho ta mọi điều như mơ ước!
Rồi thì, như một qui luật tất yếu đã được mặc định.. Tất cả mọi thứ đến và đi, niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát…ai dám bảo mình sẽ luôn như ý và giữ mãi được trong tầm tay tất cả. Giờ đây, bất chợt “ …chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay..Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm những lúc yêu người..” (Chiếc lá thu phai). Ồ, có mấy người còn kịp thời gian thu xếp? nên “… bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào, trả nợ một đời chưa hết tình sâu. Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu, trả nợ một đời không hết tình đâu…”( Xin trả nợ người) Bởi thế, nuối tiếc khôn nguôi:” tình yêu như thương áo quen hơi ngọt ngào, rời nhau hôm nào hồn mình như vá khâu,buồn mình như lũng sâu Rồi tình trong im tiếng , rồi tình ngoài hư hao.Tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm…”( Tình sầu). Cuộc đời mỗi con người ai rồi cũng phải như thế thôi, ai rồi cũng sẽ có một kết thúc, lạnh lẽo hay ấm áp … tất cả chỉ là một sự vay mượn tạm bợ và mộng ảo ở cõi trọ nầy mà thôi..” tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”( Ở trọ)…cho nên:”..Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy…”( Bên đời hiu quạnh) vì rõ ràng:” trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà?” ( Một cõi đi về).
Bây giờ thì tôi đã biết mình là ai, mình sẽ làm gì và phải cố làm để không đau đáu :” chẳng biết nơi về”. Còn ông, tôi nghĩ :” Chắc chắn rằng, ông đang có mặt ở một chốn thật bình yên, và trong lòng của biết bao trái tim đồng cảm với ông. Những giai điệu mộc mạc, rất riêng, những ca từ như thơ,như một lời tự sự của ông sẽ sống mãi cùng năm tháng… Dù ông đang rất xa nhưng vẫn thật gần!”.

Ainhan Tranthi1.4.2013.


2 nhận xét:

AN. nói...


Ui..cảm ơn bác Phước đã cho em... mấy chỗ quá đẹp! Nhưng mà gẫm lại thấy buồn quá bác ơi!

Đặng Tiến Dũng nói...

Khuya hôm qua giờ Na Uy, tôi có đọc bài viết này của chị Ái Nhân bên blog Tri Thiên Mệnh. Định viết đôi lời chia sẻ, nhưng tìm chưa ra chỗ để viết.

Bài viết của chị Ái Nhân rất gần với tâm tình của tôi làm gợi cho tôi những ngày của tuổi thanh niên, lãng mạn với bài ca biển nhớ, nhưng đầy âu lo khi đại bác ru đêm.

Chúng mình trưởng thành trong một giai đoạn rất đặc biệt nên khi nhớ và viết về, bao giờ cũng là những rung động khôn nguôi!

Rất cám ơn chị Ái Nhân.