CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

TÌM VỀ KỶ NIỆM.


Vậy là sắp hết một năm và năm mới lại bắt đầu,cứ thế vòng thời gian trôi nhanh  trẻ con thì mong chóng lớn,người già mong trẻ lại như quy luật muôn đời của kiếp người trăm năm,chỉ trăm năm thôi mà vấn vương mơ ước mãi hoài về những gì gọi là kỷ niệm đã qua, mơ ước về tương lai và hiện tại thì tìm mãi tìm hoài điều vọng tưởng ngày xưa một thời thơ ấu, thời của màu áo dài trắng tung bay, nón lá che nghiêng của học sinh những buổi đến và tan trường ngập tràn kỷ niệm.Ngày ấy nên thơ biết bao khi tất cả học sinh luôn đến trường đa số bằng đi bộ và xe đạp và Thị xã Vũng Tàu cách nay mấy mươi năm chỉ có vài ngôi trường trung học trong trí nhớ của tôi là: Trung học Vũng Tàu,Tam Nguyên, Bán công Lý Thường Kiệt,Đinh Tiên Hoàng và Tư thục Thánh Giuse, riêng trường Trần Nguyên Hãn thì tôi hoàn toàn không nhớ là thành lập trước 1975 như tư liệu tìm hiểu.
Trường Trung Học Bán Công Lý Thường Kiệt-1968
Dù gì đi nữa thì trong bài viết này tôi chỉ xin chia sẻ cảm nhận của mình về ngôi trường Trung học Tư Thục Thánh Giuse ngày xưa cách nay đã 40 năm kể từ khi tôi học và rời trường (1967- 1974),về các bạn đã học ở Trường Bán công Lý Thường Kiệt và Tam Nguyên nay chỉ còn là kỷ niệm.40 năm với biết bao thăng trầm cuộc sống, biết bao dữ dội của thời cuộc,ký ức thời gian có gần nửa đời người của tôi chìm khuất trong đó,nhọc nhằn,âu lo và dữ dội cùng bao điều khốn khó, bất an để khi tóc đã nhạt màu,trí óc nhớ nhớ quên quên của tôi mới bắt đầu tìm về vùng kỷ niệm,vùng trời mà khát vọng một thời thơ trẻ thanh xuân biết bao hoài bão, về những giấc mơ đẹp như cổ tích, về những con tàu vũ trụ vuợt thời gian! Những mê đắm về tương lai không còn tiếng súng chiến tranh cho em thơ vui bước đến trường và quê hương đẹp giàu luôn là giai điệu ca dao, lời ru ngọt ngào yên bình của mẹ.
Trường Trung học Trần Nguyên Hãn-1968 ( bìa trái )
Những ngôi trường ngày xưa ở Vũng tàu mà tôi biết sao hiền hòa, thân thương trong tôi đến thế? Nơi ấy là sự đong đầy hạnh phúc bình yên, là ngày hai buổi tìm kiến thức mênh mông như đại dương mà lũ học trò chỉ biết ngồi mở to đôi mắt, lắng nghe, ghi nhớ từng lời Thầy Cô giảng bài.Kiến thức mênh mông ấy đã dạy bằng tâm huyết của những trái tim Thầy Cô chỉ mong điều duy nhất: Học trò mình nên người tài giỏi!có ích cho gia đình, xã hội,đất nước và có ích cho chính bản thân mình.Ngày ấy việc học nhẹ nhàng nhưng không kém phần cao quý,được đến trường là hạnh phúc dù cuộc sống có khó khăn đến mấy của học sinh.Những ngôi trường ít ra luôn đẹp dưới những tán cây phượng trổ hoa đỏ rực báo hiệu hè về chia tay bè bạn để chuẩn bị bước sang năm học mới,thậm chì có bạn phải chia tay lớp học, sân trường, thầy cô, bè bạn để bước vào đời khắc nghiệt với trăm nghìn lý do mà những đứa trẻ như tôi và các bạn ngày ấy khó cảm nhận hết thử thách đang chờ.
Năm tôi rời trường trung học là 1974, lúc ấy chiến tranh khốc liệt hơn,các bạn nam một số đã  rời trường vẫn còn miệt mài phương trời nào đó đầy dẫy đe dọa giữa sống và chết, giữa làn tên mũi đạn vô tình…và có người đã ra đi mãi không về.Tôi rời trường, bâng khuâng vào khung trời đại học với những khó khăn riêng gần tròn năm học thì biến động lịch sử xảy ra,tôi bắt đầu cuộc sống khác bôn ba,thử thách hơn nhiều thủa làm sinh viên Văn Khoa và Luật Khoa tràn đầy thơ mộng như những ca khúc trữ tình thời ấy.Sự thay đổi và chấm dứt đời sinh viên thơ mộng của tôi chỉ trong khoảnh khắc  ngắn ngủi của thời cuộc, chênh vênh đường đời bắt đầu với một con bé tuổi hai mươi đầy lãng đãng mộng mơ phải xếp lại, phải tập làm quen cho phù hợp cuộc sống.
Trường Trung Học Thánh Giuse Vũng Tàu-1968
Rồi một ngày, sau những tất bật lo toan tôi tình cờ đi ngang trường cũ trong tâm trạng háo hức xen lẫn lo âu,ngôi trường xưa tôi học đã được đổi tên thành trường Châu Thành,cái tên lạ hoắc, xa vời ấy khiến tôi nhói tim đứng lặng…học sinh nữ không còn mặc áo dài trắng theo quan niệm lúc ấy, cổ áo học sinh còn quàng khăn đỏ lạ lẫm! Tôi đứng lặng,ngại ngần đứng nhìn trường từ xa, không dám bước vào khuôn viên chợt xa lạ bất ngờ ấy mà buồn.Rồi thời gian trôi,nhịp sống biến động từng giờ, từng ngày,không riêng ngôi trường Thánh Giuse mà  trường Tam Nguyên, Lý Thường Kiệt cũng không còn như xưa…Ba trường này hoàn toàn không còn tồn tại! Các cựu học sinh rời trường tứ tán khắp nơi không còn chỗ để về ôn kỷ niệm, gần đây hẹn gặp nhau từng nhóm nhỏ của niên khóa học mà nhớ,ôn lại kỷ niệm xưa bạn bè trong nỗi niềm khó tả.
Đời thật là phức tạp và vô thường thật không sai,sự thay đổi bất thường không thể tưởng tượng xảy ra bất ngờ và nhanh đến độ như con sóng thần ập đến,xóa tan tất cả để chỉ còn là kỷ niệm nhạt nhòa.Tánh tôi hay vẩn vơ và cứ hỏi mãi những câu hỏi khi đêm về lặng im đối diện với chính mình,màn đêm bao giờ cũng mịt mù để tôi tự mò mẫm tìm về kỷ niệm thời áo trắng xa xưa, nhớ như in sân trường có bao nhiêu cây cổ thụ già? Bao nhiêu nấc thang ngày hai buổi lên lớp nhớ quên,quên nhớ.Chao ơi! Bạn bè cũng nhạt nhòa thì lấy đâu tìm ra những điều đã nằm im ắng tự mấy mươi năm rồi hở bạn?Chỉ may ra những lần gặp bạn, những buổi cà phê ngồi ngắm nhau, tìm trong gương mặt, vóc dáng ấy chút ngày xưa quen thuộc,cùng nhắc nhau chuyện thủa ấy xa rồi…mà rưng rưng muốn khóc.
Thời gian vẫn không ngừng trôi, bao năm qua rồi dù chân vẫn phiêu bạt mỏi mòn, vẫn khắc khoải về những ước mơ ngày càng xa tít tắp không thể thành sự thật và hạnh phúc chỉ giản dị là lặng thầm, ngồi yên để nghe bâng khuâng cõi mơ mộng thời ê a tìm hoài kiến thức giữa biển đời lạc lõng.Một năm mới nữa lại về, dù các bạn có học chung lớp,chung trường hay không thì tôi và bạn cũng đã có một thời cắp sách, một thời làm những vần thơ lãng mạn, viết những trang lưu bút thân thương và tất cả những mộng mơ, hẹn hò ngoài cửa lớp.Đó là kỷ niệm tuyệt vời không thể nào quên.Tôi cũng như các bạn có một thời làm học sinh tuyệt vời đến vậy.
Năm mới 2015 và năm Ất Mùi sắp đến.Mến chúc các bạn dồi dào sức khỏe, an vui, hạnh phúc để mãi mãi yêu đời,lạc quan cùng gia đình và người thân yêu quý nhé.

PHAN THỊ VINH
Hình ảnh : Lương Hữu Phước


Không có nhận xét nào: