Trời mưa
rả rích cùng với không khí dịu mát khiến tôi nhớ tới những loại bánh được ăn
thủa nhỏ cách nay hơn 50 năm mà khi còn thơ bé thường mê,ngày ấy làm gì có
những loại bánh hộp mùi hương nức mũi như bây giờ được chế biến bằng hương liệu
công nghiệp, khác hẳn với hương dừa thơm mát, hương sầu riêng, đậu xanh, đậu
phộng, lá dứa được các bà, các mẹ chế biến khéo léo như: Bánh bông lan, bánh
bò, bánh kẹp tất tật các loại bánh từ nướng đến hấp để phục vụ con cháu đông
đúc của mình.Tuy nhiên, các loại bánh này chỉ được làm khi lễ tết, giỗ
chạp…ngoài thời gian ấy trẻ nhỏ muốn ăn thì đến mua ở những hàng bán tạp hóa
kèm bánh là có thể thỏa mãn cơn ghiền hoặc đón gánh hàng rong đi ngang ngõ để
mua.
Cứ nhớ
đến thủa cách nay hơn nửa thế kỷ mỗi sáng nghỉ học, đón bà đi chợ về, anh chị
em chúng tôi sẽ được chiếc bánh quấn thừng màu vàng ngà chiên dòn,rồi thì bánh
tráng mè, tôm, bánh lỗ tai heo, bánh chao,bánh men…thì cảm giác ngon tuyệt đến
giờ vẫn nhớ.Bánh ngọt ngày ấy đơn giản và không nhiều, đa phần làm thủ công,
lâu lâu mới được bà mua cho ăn nhưng mỗi đứa chỉ được một chiếc, ăn nhín nhín
đến hết vẫn còn thèm.Riêng tôi, tận hưởng độ dòn tan, hương vị của bánh thơm tự
nhiên của đường, bột là đã mê lắm rồi, nói chi đến những loại bánh thơm mùi
dừa, mùi lá dứa.
Nếu diễn tả về
các loại bánh thủa xưa thì tôi nghĩ rằng sẽ không đủ vì lúc ấy mấy loại bánh
tôi được ăn còn ít lắm so với kiến thức mình có.Vì vậy tôi chỉ tả cảm xúc về
thời tuổi nhỏ biết về một số loại bánh mà có thể hiện nay đã không còn trên thị
trường, nơi đô thị tôi đang sống nữa.Ừ, như bánh quấn thừng bằng bột gạo xuắn
hình như sợi dây thừng chiên vàng óng,bên ngoài phủ lớp đường thắng mỏng đủ độ
ngọt hấp dẫn tôi mỗi khi cắn là dòn tan thơm phức, hoặc chiếc bánh tráng màu
vàng cam có ruốc khô,hành lá chiên dòn mặn mặn tạm no bụng vào buổi trưa hè
trời mưa mát dịu,bánh men hình tròn và hình con sâu bỏ vào miệng là tan trên
lưỡi tỏa hương dừa thơm phức, rồi bánh phục linh làm bằng bột năng mịn mát thơm
mùi lá dứa khi ăn phải từ từ nếu không sẽ nghẹn cổ…
Chao ơi, tuổi thơ
thời của tôi chỉ đơn giản với mấy loại bánh bình dị đến lạ lùng mà sau mấy mươi
năm cứ mỗi ngày mưa, nỗi nhớ trong tôi cứ cồn cào về tuổi thơ thiếu thốn, nhớ
rõ ràng tên gọi, hương vị từng loại bánh mà ray rứt hoài tưởng.Sau này có bánh
tay quạt, bánh lỗ tai heo, bánh chao, bánh khoai mì nướng,bánh bò, bánh thuẫn,
bánh da lợn… cũng khiến lòng ham ăn vặt của tôi thêm thích thú.Trời, nhắc lại
tôi vẫn còn nguyên cảm giác thú vị ăn gì cũng ngon thủa ấy! không giống
như trẻ nhỏ bây giờ,các món ngon sản xuất công nghiệp tràn ngập khiến khung
trời tuổi thơ của các bé không thể giống như tôi,khiến chúng có còn cảm giác
lãng đãng như tôi sau mấy mươi năm nhớ lại?
Thời nào
rồi cũng có kỷ niệm riêng, nhưng dường như sự mộc mạc mất dần ý nghĩa khi cuộc
sống công nghiệp chen chân vào đời sống, tạo nên sự tất bật lo toan, nhàm chán
của công nghệ hàng loạt đánh bật cách làm bánh thủ công, những loại bánh xưa
dần mai một là chắc chắn…Biết làm sao được với quy luật phát triển? nên
khi lớn tuổi, tôi mới hiểu vì sao có lúc ông bà, ba mẹ thường hay hoài
tưởng về quá khứ, nhắc chuyện cũ mà tôi nghe hờ hững như không.Cuộc sống khốc
liệt, thăng trầm đa đoan một kiếp người trăm năm phù du.Tất cả nhạt nhòa khiến
đời cứ như cõi mộng nhè nhẹ tiếng ru hời thủa nằm nôi, bâng khuâng chìm nổi.
Mưa vẫn
cứ mưa, tiếng rao hàng đậm đà giai điệu thủa nào cũng dần mất hút, thay vào đó
là tiếng rao vô cảm phát ra từ chiếc máy của người bán, lạc lõng vô hồn.Ngày
xưa rao hàng là một nghệ thuật, lúc bổng lúc trầm, rao gửi cả tâm tư người bán
lúc bão táp, lúc nắng hè, đêm khuya đều khác nhau, tiếng rao là nhịp tim người
bán nối với người mua những cảm xúc bâng khuâng là thế.Có lẽ tôi cứ mãi vọng
tưởng, mãi tưởng tượng vớ vẩn mà nôn nao về bao điều đã qua để tiếc cho thủa ấu
thơ vốn nhiều kỷ niệm nồng nàn của ký ức nhẹ tênh mà khó quên đến thế.
Vẳng từ
xa, tiếng rao bởi chiếc máy phát của người hàng rong giữa cơn mưa chiều rỉ rả:
“Chưng, gai, giò…” ngắn đến độ vô nghĩa càng khiến tôi thêm cám cảnh mà buồn
thấm thía.Sự hời hợt làm mất đi chất lãng mạn phong phú của văn hóa rao hàng mà
thủa bé tôi đã được nghe giờ chỉ là dĩ vãng.
PHAN THỊ VINH
Ảnh : Lương Hữu Phước
Ảnh : Lương Hữu Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét