Mãi mê làm mấy món dưa kiệu, dưa món, tôi quên khuấy việc
trẩy lá mai. Hôm nay mười sáu mới tập trung lẩy lá,dạo nầy thời tiết thất
thường, chẳng phải dân làm vườn chuyên nghiệp, không rành lắm việc chăm sóc ,
mấy gốc mai của tôi đã trổ hoa lác đác từ tháng chín,chả biết Tết nầy
có còn hoa không nữa…Nhìn mai, tôi lại nhớ những ngày Tết quê ở nhà
ngoại chồng tôi độ nào…
Hơn ba mươi năm trước, lúc mới lấy chồng, lần đầu về quê
ăn tết, tôi thấy thích thú, hứng khởi làm sao, cái gì cũng lạ lẫm, cũng hay
hay. Sống ở thành phố từ bé đến lớn, chôn chân trong góc nhà, chẳng được đi
đâu chơi, tôi hay đọc sách và chỉ biết hình ảnh những ngày Tết quê thú vị qua
trang sách mà thôi nên rất ấn tượng những ngày Tết mộc mạc, xưa cũ của
làng quê chồng mình.
Nhà chồng tôi có lệ, sáng mùng một , tất cả gia đình đều
về nhà từ đường, còn ông bác Trưởng họ đang giữ việc chăm sóc,thừa tự. Cả nhà
thắp hương trên bàn thờ ông bà, và ngoài khu mộ các cụ xong, vào chúc tết ông
bác rồi cùng ăn cơm với họ hàng. Thường, vợ chồng tôi làm xong …thủ tục bên
nhà nội rồi là chạy về nhà ông bà ngoại (cũng gần gần đấy thôi) và ăn bên đấy
thích hơn. Từ đường cái vào khoảng trăm mét là đến nhà ngoại chồng tôi.
Tôi mê lắm con đường đất đỏ, rợp mát bóng những cây điệp, cây me, những hàng
rào trúc xanh dọc hai bên trông thật thơ mộng, hiền hòa. Nhà quê, ai cũng có
miếng đất phía trước hoặc bên hông nhà.
Nhà nào cũng trồng mai trước sân hoặc
dọc hàng rào, tết về nhìn đâu cũng thấy sắc vàng của mai và vạn thọ. Nhà ông
ngoại chồng tôi khá bề thế, ngôi nhà gạch ba gian, mái ngói giữa một khu vườn
thật rộng đầy cây ăn trái : nào xoài, nhãn, mảng cầu, dừa, ổi, lê-ki-ma…Trước
nhà là mảnh sân gạch tàu rộng , một gốc mai to ,trổ hoa vàng rực, còn chung
quanh vườn , ngoại cũng trồng mai xen kẻ thành một hàng rào rợp màu hoa vàng
rực rỡ. Có năm, trước tết, vợ chồng tôi về xin ngoại một nhánh to ,. Ngoại
cẩn thận lựa nhành nào nụ hoa chi chít có khả năng nở đúng Tết mới chặt rồi
thui gốc đàng hoàng cho chúng tôi mang về…Tôi không được may mắn gặp ông bà
ngoại của mình, bởi thế khi lấy chồng được gọi tiếng Ngoại tôi thấy ấm áp làm
sao. Có thể nói Ông là người tôi thương nhất bên chồng vì nhìn thấy ông thật
…mạnh mẽ và nhất là thấy ông thương yêu và chăm sóc bà ngoại thật không
tưởng. Nhìn ông ngày ngày đạp xe đi chợ, tự mua từng mớ rau, miếng thịt về
cho bà ngoại lúc bà bị bệnh, nhất định không cho dì chồng tôi đi vì sợ mua
không vừa ý. Đến việc bà ngoại những ngày cuối đời bị lẫn, chẳng còn nhớ ông
là ai, sáng sáng bắt ông cõng trên lưng đi một vòng quanh sân bà mới chịu.
Ông cũng già, lưng khòm khòm , vậy mà cũng vui vẻ chìu bà , tôi nhìn thấy mà
thương ,mà nghe cay xè đôi mắt. Hình ảnh đó tôi nhớ hoài cho đến tận bây giờ.
Nhớ lúc đám cưới tôi, ông ngoại là người xem tuổi , chọn ngày và lên đôi đèn
trước bàn thờ gia tiên. Ông là một người nổi tiếng cực kỳ khó tính, cả nhà ai
cũng sợ, nhưng không hiểu sao ông rất quí tôi, hai lần tôi sinh con, ông đều
chống gậy từ quê sang thăm đủ cả hai, còn tôi thấy ông chẳng có vẻ gì khó
chịu như mọi người nói cả mà thấy ông thật đáng kính và thật gần gủi.
Mỗi lần gặp ngoại, tôi hay tò mò hỏi ông đủ thứ chuyện, nhất là chuyện
của chồng tôi ngày còn bé…
Ông có nhiều sách chữ Tàu xem ngày,giờ, tuổi
tác.., trong làng ông được mọi người gọi là ông Chín ( thứ của bà ngoại chồng
tôi), mỗi khi nhà ai có việc hiếu ,hỷ thường nhờ ông coi ngày, coi tuổi, ông
rất được mọi người kính nể vì cao niên và sự hiểu biết chứ chẳng phải chức
sắc gì cả. Mỗi lần về thăm ông đầu năm, tôi hay vòi ông xem “ năm đấy tuổi vợ
chồng tôi có gì xấu không?”( giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười). Ông cũng xem
nhưng lại nói: “ đức năng thắng số, con cứ ráng làm lành, năng lễ Phật, sửa
tâm, rồi cái gì cũng qua”, gẫm lại lời ông thật giản dị mà chí lý vô cùng.(
Ngày ấy còn quá trẻ, tôi chẳng hiểu biết gì nhiều về chuyện Phật pháp, theo
nếp sống của gia đình, nhà tôi cũng có bàn thờ đức Quán Thế Âm trang nghiêm,
tôi cũng hương khói mỗi ngày và luôn luôn cầu nguyện cho gia đình được khỏe
mạnh, bình an, chứ nào hiểu gì về “lý nhân-quả” về hai chữ “nghiệp-duyên”sâu
xa, ảnh hưởng đến cuộc đời mỗi con người như bây giờ…). Tôi thích về nhà
ngoại một phần cũng vì sát bên nhà ngoại có một ngôi chùa nhỏ, (nghe chồng
tôi bảo, chùa có tháp của ông cố chồng tôi được để ở đấy từ lâu lắm,
ông còn là một Hòa thượng nữa, mà thật tiếc gia đình bên chồng tôi như
bao người dân quê khác, đa số lại thích tập trung ở các Đình Thần với nhiều
Lễ hội quanh năm chứ ít đến Chùa)đầu năm được đến lễ Phật tự dưng thấy
thật.. an lòng. Chùa quê không lớn, không cầu kỳ và nườm nượp người viếng như
ở thành phố mà hiền lành, ấm áp, đơn giản như người quê mộc mạc. Chùa quê lại
có vẻ thanh tịnh và trầm mặc. Tính tôi không ưa lắm những chốn ồn ào nên khi
ấy rất thích ghé về ,vừa lễ Phật,vừa được thưa chuyện cùng ni sư trụ trì thật
hiền từ, dễ mến.. Đầu năm, trong không khí tỉnh lặng của khu vườn Chùa rộng,
ngồi nghe Ni sư chúc Tết, giảng Đạo lý, ăn miếng mứt gừng cay nồng, mứt dừa
ngọt thơm,hay miếng bánh phục linh thơm mùi lá dứa, nghe bột tan trong miệng,
hớp ngụm trà nóng nức mùi lài, tôi bỗng dưng thấy lòng thanh thản, thú vị lạ
kỳ..
Gia đình tôi nửa Nam, nửa Bắc nhưng hầu như ảnh hưởng
chuyện nấu nướng theo kiểu Bắc của mẹ, về quê chồng ăn tết kiểu người
Nam, tôi thấy lạ miệng và ngon làm sao. Cũng vẫn chỉ là những món ăn dân giả,
bình thường hàng ngày nhưng có lẽ do nhiều thứ có sẵn trong vườn tươi
tốt, khi ăn mới hái, mới làm nên ngon ngọt lạ kỳ. Ngày Tết, nhà ngoại cũng
nấu cơm nhưng mọi người lại thích ăn bánh tráng. Bánh tráng đặc biệt của Long
Điền dẻo, cuốn với dưa giá, thịt kho tàu, kho chung với măng khô, kèm củ kiệu
chua chua, ngọt ngọt, chấm nước kho dầm ớt cay thơm,vừa ăn vừa hít hà,
bánh tét nhà ngoại gói nếp ngon, thịt ba chỉ mềm tan trong đậu xanh,
trong nếp thơm béo ngậy mà không hề ngán, ăn cùng với dưa món dòn, mằn mặn
thật đậm đà. Rồi bánh ít lá gai thơm, nhân dừa xào ngọt lịm…Có gì lạ đâu,
những món tôi vẫn có thể ăn ngày thường, nhưng sao lúc đấy tôi thấy ngon lạ
lùng. Có lẽ bởi sự thong thả của ba ngày Tết, bởi không khí trong lành, yên ả
chốn quê, bởi mùi trầm hương ấm áp từ bàn thờ gia tiên lan tỏa trong không
gian, bởi tình thân gia đình ,được quây quần bên ông bà chăng? Tôi nhớ như
in, trong lúc con cháu vui đùa cùng nhau bên mâm cơm thì ông ngoại khề khà ly
rượu cay nồng ngồi bên bà ngoại móm mém miệng trầu, ánh nhìn reo vui trong đôi
mắt già sâu mờ đục vì bóng thời gian. Khi thấy cơm nước gần xong, thế nào bà
ngoại cũng bắt dì chồng tôi mang quả dưa hấu to tròn bổ cho đàn cháu tráng
miệng. Khi xẻ quả dưa chắc nịch, thấy màu đỏ tươi , ông bà vui lắm, thế nào
cũng chặc lưỡi, cười hễ hả nói;” chà, dưa đỏ nghen mấy đứa, năm nay hên
dữ đa!”. Miếng dưa hấu ngọt, mát lịm nhớ hoài vì mỗi năm chỉ được ăn một
lần vào ngày Tết. ( bây giờ dưa hấu trồng công nghiệp, có quanh năm
suốt tháng, tôi cứ thấy tiếc hoài vị dưa ngọt ngày xưa, hương vị ngày Tết
cũng giảm bớt phần nào).
Thời gian qua đi, buồn làm sao những người thân yêu của
tôi đã dần chia tay, về cùng cát bụi. Ông bà ngoại đã mất, chồng tôi cũng
thế. Sau nầy, tôi ít có dịp về thăm nhà ngoại, nhưng giờ thì quê chồng tôi
cũng lắm đổi thay…Con đường làng đất đỏ đã được mở rộng, tráng nhựa sạch sẽ,
những lũy tre, hàng điệp cũ không còn . Hai bên, nhà đã thành..phố, có cả nhà
tầng hiện đại. Nhà ngoại cũng được con dì tôi xây lại kiểu mới, những gốc mai
không còn vì hàng rào cũng được sửa lại cho phù hợp với ngôi nhà. Tôi về thăm
chợt thấy ngậm ngùi, cảnh cũ người xưa không còn nữa, nhớ thương sao những
tết xưa đầm ấm. Tất cả chỉ còn là một chuỗi những hình ảnh của ký ức làm tôi
luôn tiếc nuối khôn nguôi. Đâu rồi tết quê mộc mạc thân thương ngày ấy của
tôi???
|
Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013
NHỚ LẮM TẾT XƯA...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Đọc bài của Ái Nhân Tôi thèm có 1 người Bạn thân vùng Đất Đỏ...để mỗi độ Xuân về có cớ về "Quê Ngọai" ăn Tết,hưởng được cái thú sân vường xem sao!Nhưng đến đoạn cuối thì lại thật vọng não nề...tất cả đã gần như tỉnh thành hoá, cái mộc mạc của "cô con gái miền quê" nay đã mai một rồi phải không? Cám ơn AN đã cho các Bạn như chúng tôi 1 phần nào cảm nhận được cái thú điền viên.
Đăng nhận xét