Và hằng đêm, ông đến bên giường nói chuyện với bà: “Tôi kể cho bà ấy nghe công việc tôi làm trong ngày và đọc những bài thơ mà bà ấy yêu thích. Bà ấy hiểu và cố thức để nghe tôi”. Kiêu hãnh và Định kiến, Lý trí và Tình cảm của Jane Austen, truyện thơ The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer, Kim của Rudyard Kipling, thơ Shakespeare… là những tác phẩm và tác giả mà ông Lý chọn trong tủ sách của vợ và đọc cho bà nghe. Thời trẻ, bà Chi học chuyên văn và đặc biệt yêu thích văn chương Anh.
“Thi thoảng trong những khoảnh khắc lặng yên, ký ức những ngày đẹp đẽ mà chúng tôi bên nhau lại trở về”, ông Lý tâm sự với Seth Mydans. “Có phải mỗi khi ông đến thăm bà thì ký ức ngày xưa quay trở lại?”, Seth hỏi. “Ồ không, không phải lúc đó đâu. Con gái tôi vừa tìm được hàng chục bức ảnh cũ và ảnh kỹ thuật số lưu trữ tại tập đoàn báo chí Singapore Press Holdings. Khi tôi nhìn lại chúng, tôi nghĩ tôi may mắn làm sao. Tôi đã có 61 năm hạnh phúc bên bà ấy. Chúng tôi rồi sẽ phải ra đi. Tôi không chắc ai sẽ ra đi trước, bà ấy hay là tôi. Vì vậy tôi nói với bà ấy, rằng tôi đang nhẩm lại lời nguyền lứa đôi của tín đồ Cơ đốc giáo. Tôi nhớ nó thế này: Hãy yêu, gìn giữ và vun đắp, trong đau ốm hay khỏe vui, lúc thuận lợi, khi khó khăn, chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta”.
Thuở ban đầu
Lý Quang Diệu chỉ có một cuộc tình duy nhất, cuộc tình với Kha Ngọc Chi, nữ sinh con nhà giàu học giỏi nhất trường Đại học Raffles cách đây 2/3 thế kỷ.
Tiểu thư con nhà giàu học giỏi
Tiểu thơ con gái nhà ai?
Năm 1940, khi Thế chiến thứ 2 đã tràn lan khắp châu Âu, ước mơ sang Anh quốc du học của các học sinh thuộc địa như Lý Quang Diệu tạm gián đoạn. Quang Diệu nhận học bổng Anderson danh giá nhất trong nước và học luật tại Đại học Raffles. Cuối học kì đầu tiên của năm nhất, Quang Diệu xếp đầu trường về môn toán. “Nhưng tôi bàng hoàng nhận ra rằng tôi không chiếm vị trí số 1 cả môn tiếng Anh lẫn môn kinh tế. Tôi xếp sau một cô tên Kha Ngọc Chi. Tôi thất vọng và cảm thấy khó chịu”, Quang Diệu kể trong Hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 – 1965 xuất bản năm 1998. Quang Diệu thất vọng vì sợ không lấy được học bổng Nữ hoàng để du học ở Anh.
“Tôi đã gặp cô Kha này hồi năm 1939. Khi ấy cô ta là nữ sinh duy nhất ở trường Trung học Raffles toàn là con trai. Cô ta được hiệu trưởng mời phát phần thưởng cuối năm cho các học sinh giỏi. Lần đó, tôi nhận được từ tay cô ta 3 quyển sách”, Quang Diệu viết trong Hồi ký.
Rồi cuộc chiếm đóng của người Nhật ở Singapore ập đến vào đầu năm 1942. Trường lớp đóng cửa. Ngọc Chi về nhà phụ giúp gia đình. Quang Diệu, con trai cả trong một gia đình có 4 trai 1 gái, đi làm công, rồi lao ra chợ đen kinh doanh để giúp đỡ gia đình. Rượu ngoại, thuốc lá, nữ trang… thứ gì có lời là anh buôn tất. Ở chợ đen, anh gặp Yong Nyuk Lin, một cựu sinh viên ở Đại học Raffles khi đó đang làm việc tại một công ty bảo hiểm quốc tế.
Ngày nọ có một công ty kinh doanh văn phòng phẩm hỏi Quang Diệu tìm nguồn cung cấp hồ dán. Quang Diệu trao đổi với Nyuk Lin, rồi cả hai mở xưởng sản xuất hồ, một cái đặt ở nhà Quang Diệu, một cái đặt ở nhà Nyuk Lin do vợ và em vợ anh ta trông coi. Em vợ Nyuk Lin chính là cô Kha Ngọc Chi một thời lừng lẫy ở Đại học Raffles!
Chính thương vụ hồ dán mà Quang Diệu gặp lại Ngọc Chi vào lần đầu tiên anh đến nhà Nyuk Lin ở khu Tiong Bahru trên chiếc xe đạp cà tàng. Lúc đó, Ngọc Chi đang ngồi nơi mái hiên bên hè nhà. “Khi tôi hỏi Nyuk Lin đâu, cô ta mỉm cười và chỉ chiếc cầu thang ngay góc nhà. Giờ đây, tôi gặp cô ta trong một bối cảnh khác. Cô ta đang ở nhà, ăn mặc thoải mái, tự tay làm việc nhà vì không còn người giúp việc nữa”, Quang Diệu kể. Tình cảm đầu đời giữa họ đã nảy sinh từ đó.
“Tháng 9.1944, chúng tôi đã trở nên đủ gần gũi để tôi mời Nyuk Lin, vợ anh ta và Ngọc Chi (từ nay tôi gọi là Chi thôi) đi dự sinh nhật thứ 21 của tôi tại một nhà hàng Tàu ở khu Great World. Đó là lần đầu tiên tôi mời nàng ra ngoài”, Quang Diệu kể. Vào thời đó ở Singapore, một cô gái chấp nhận ra ngoài cùng một chàng trai, dẫu là có anh chị của cô đi cùng, thì điều đó không thể không mang một thông điệp nhất định!
Môn đăng hộ đối
Cuối năm 1945, cuộc chiếm đóng của người Nhật đã chấm dứt, Ngọc Chi đi làm thủ thư ở Thư viện Raffles. Ngày ngày, Quang Diệu cuốc bộ đưa cô về nhà. Có lần, anh chở Chi về bằng xe gắn máy của mình, khiến mẹ cô nổi giận. Gia đình cô vốn giàu có, cha làm ngân hàng, ở nhà biệt thự và có xe hơi đưa rước đến trường hằng ngày. Vì thế, ngồi sau xe gắn máy của một người đàn ông là điều không thể chấp nhận đối với một tiểu thư như cô. “Thiên hạ sẽ nghĩ sao? Ai mà dám lấy con chứ!”, mẹ cô đay nghiến.
Đêm Giao thừa năm 1946, Quang Diệu thổ lộ với Ngọc Chi rằng anh không có ý định quay lại Đại học Raffles để hoàn thành chương trình cử nhân luật của mình mà sẽ đi Anh du học, và hỏi cô có thể chờ đợi anh quay lại sau 3 năm. “Chi hỏi tôi có biết Chi lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi. Tôi nói rằng tôi biết và đã cân nhắc kỹ điều này. Rằng tôi đã đủ chín chắn. Hơn nữa tôi muốn làm bạn với một người bằng vai phải lứa và khó lòng tìm được một người khác có cùng hoài bão với tôi như Chi. Chi nói sẽ chờ đợi tôi”, Quang Diệu viết trong Hồi ký. Nhưng họ quyết định không nói với cha mẹ hai bên, bởi “quá khó để các bậc cha mẹ đồng ý một sự hứa hẹn dài đăng đẳng như vậy”.
Khi biết con có ý định du học, mẹ Quang Diệu muốn anh hứa hôn với một cô gái gốc Hoa, để chắc rằng sau khi học xong và về nước, anh không dẫn theo một cô mắt xanh tóc vàng. Đã có nhiều sinh viên đi du học, lấy vợ Anh, khi về nước thì ly hôn hoặc phải chuyển về Anh sống vì cô vợ không thích nghi được với văn hóa xứ thuộc địa. Vì thế, mẹ anh đã lần lượt dẫn về ra mắt anh 3 cô gái gốc Hoa, dung nhan tươi thắm, gia đình tử tế, khá giả. “Nhưng tôi chẳng có chút rung động nào. Tôi thấy hạnh phúc với Chi”, Quang Diệu kể.
Và để mẹ đỡ lo, Quang Diệu quyết định thổ lộ với mẹ về Ngọc Chi. Gia đình Chi và gia đình Quang Diệu có nhiều nét tương đồng: cha họ đều là người Hoa sinh ra trên đảo Java của Indonesia; mẹ họ cũng là những người gốc Hoa sinh ra quanh eo biển Singapore. Từng gặp Ngọc Chi trong thương vụ hồ dán và từng nghe chuyện cô nữ sinh đứng đầu Đại học Raffles, mẹ Quang Diệu ưng bụng lắm. “Cử chỉ của bà đối với Chi chuyển sang hướng thân thiện trong tâm thế một mẹ chồng tương lai”, Quang Diệu ghi nhận.
Đám cưới bí mật ở Anh quốc
Giáng sinh năm 1947, Lý Quang Diệu và Kha Ngọc Chi bí mật kết hôn tại thị trấn Stratford-on-Avon, quê hương đại văn hào William Shakespeare, khi cả hai đang là du học sinh.
Hạnh phúc có nhau ở đất khách
Mấy núi cũng trèo
Hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923-1965 kể rằng: Đúng vào sinh nhật thứ 23 của mình, ngày 16.9.1946, Quang Diệu bước lên con tàu Britannic, rời Singapore sang Anh du học. Ngọc Chi đứng trên bến cảng, nước mắt chảy dài, vẫy tay tạm biệt người yêu. Chàng trai Quang Diệu cũng không cầm được nước mắt. Họ chẳng biết bao giờ mới được gặp lại nhau. Vài tháng trước đó, họ đã quấn quýt bên nhau thật nhiều. Họ đã có những bức ảnh chung do một người em họ chụp giùm, để làm kỷ niệm khi xa nhau.
Quang Diệu đi du học bằng chính tiền dành dụm và nữ trang của mẹ, cùng với tiền tự kiếm được nhờ kinh doanh ngoài chợ đen. Nếu không có cuộc chiếm đóng kéo dài gần 4 năm của người Nhật trên đảo sư tử, cả Quang Diệu và Ngọc Chi đã có thể liên tục chương trình cử nhân luật của họ ở Đại học Raffles, và giành những suất học bổng danh giá của Nữ Hoàng để sang Anh học. Giờ đây, Quang Diệu đi du học tự túc vì không muốn mất thêm thời gian chờ đợi ở Đại học Raffles nữa, thì Ngọc Chi cũng quyết tâm trở lại trường học tiếp và sẽ giành lấy học bổng để sang Anh cùng người yêu.
Cuối tháng 7.1947, một cú điện báo từ Singapore cho biết Ngọc Chi đã dành được học bổng của Nữ hoàng. Quang Diệu vui mừng khôn xiết trước viễn cảnh cùng người yêu ở Cambridge. Nhưng lúc ấy đã quá muộn để Ngọc Chi có thể tìm được trường vì đầu tháng 10 năm học mới đã bắt đầu. Thay vì chấp nhận chờ một năm nữa, Quang Diệu vắt giò lên cổ chạy khắp Đại học Cambridge nhờ vả. Vì tài thuyết phục và lòng nhiệt thành của Quang Diệu, cộng với thành tích học tập sáng chói của Ngọc Chi từ thập niên 1930 mà Hội đồng khảo thí Anh quốc còn lưu giữ, hiệu trưởng trường Girton đã chấp nhận dành cho Ngọc Chi chiếc ghế dự phòng cho những trường hợp đặc biệt ở khoa luật.Trong vòng một tháng, Ngọc Chi đã thu xếp xong và theo tàu chở binh lính Anh rời Singapore vào cuối tháng 8. Đầu tháng 10, Ngọc Chi đến Liverpool, Quang Diệu đã chờ sẵn ở bến cảng tự bao giờ. Họ lên xe lửa về London, chơi ở đó 5 ngày, rồi xuôi về Cambridge.
Vượt qua lễ giáo
Có Ngọc Chi, hạnh phúc cũng đi kèm với rắc rối. Chi học trường Girton phía bắc thành phố Cambridge. Quang Diệu học trường Fitzwilliam và được phân cho một căn phòng ở phía nam thành phố. Nỗ lực tìm một căn phòng gần chỗ người yêu không thành, Quang Diệu phản ánh lên giám thị nhà trường, vốn là người đã hết lòng giúp trong việc xin được một chỗ học cho Ngọc Chi. Dù vậy, không những bị nghi ngờ về tinh thần “xả thân” cho người yêu, Quang Diệu còn “được” vị giám thị nhắc nhở rằng trường Girton sẽ không ủng hộ chuyện sinh viên nhận học bổng kết hôn ngay khi đang học.
Thế nhưng Quang Diệu và Ngọc Chi vẫn quyết tâm kết hôn vào tháng 12 năm ấy. “Chúng tôi quyết định lặng lẽ kết hôn vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh, và giữ điều đó bí mật. Ba mẹ Ngọc Chi sẽ vô cùng thất vọng nếu chúng tôi xin phép họ. Trường Girton có thể sẽ phản đối như lời khuyến cáo của ngài giám thị. Hội đồng quản trị học bổng Nữ Hoàng có thể sẽ gây khó khăn”, Quang Diệu viết trong Hồi ký. Một người bạn đã chỉ cho họ một khách sạn nhỏ ở Stratford-on-Avon để họ nghỉ lễ và tham quan nhà hát Shakespeare. Tại đó, họ đã bí mật kết hôn sau khi thông báo cho nhân viên hộ tịch địa phương. “Trên đường từ Cambridge đến Stratford-on-Avon, chúng tôi ghé London, tôi mua cho Chi một chiếc nhẫn bạch kim ở phố Regent. Sau 2 tuần ở Stratford-on-Avon, chúng tôi trở về Cambrigde, Chi tháo nhẫn ở ngón tay và treo vào sợi dây chuyền đeo ở cổ”, Quang Diệu kể.
Mặc dù đã cưới nhau, hai người vẫn “ai ở nhà nấy”, vẫn học hành chăm chỉ và “có hệ thống”. “Vào cuối tuần và một vài buổi tối khác, tôi đạp xe lên trường Girton. Ngọc Chi nấu cho tôi những món ăn Singapore bằng cái bếp gas ở đầu hè”, Quang Diệu viết. Và họ mời những người bạn Singapore đoạt học bổng Nữ hoàng đến ăn chung. Phần thịt tiêu chuẩn cả tuần của Quang Diệu sẽ được nấu thành cà ri, hoặc Ngọc Chi sẽ làm món phở xào truyền thống với những nguyên liệu “không giống ai”: mì spaghetti sợi mảnh thay cho sợi phở, thịt gà thay vì thịt heo, ớt ngọt thay cho ớt hiểm…
Tốt nghiệp hạng ưu. Thầy giám thị Thatcher đứng giữa
Họ tiếp tục như thế cho đến kì thi cuối cùng vào tháng 5.1949. Khi kết quả được thông báo vào tháng 6, Quang Diệu xếp hạng nhất, đoạt được ngôi sao danh dự duy nhất cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa học. Ngọc Chi cũng đạt hạng nhất. Họ gọi điện về Singapore báo cáo thành tích học tập cho gia đình, nhưng chuyện kết hôn thì vẫn giấu biệt.
Trong một cuộc đối thoại với các doanh nhân năm 2009, ông Lý kể rằng đó là cuộc điện thoại duy nhất mà ông gọi về Singapore trong suốt mấy năm ở Anh, tốn 5 bảng Anh, giá trị bằng 100 bảng bây giờ.
Đẹp duyên cưỡi rồng
Khi ông Lý Quang Diệu chọn con đường chính trị và trở thành người đứng đầu đất nước, bà Kha Ngọc Chi trở thành một nội tướng thâm hậu.
Đám cưới chính thức tại khách sạn Raffles ngày 30.9.1950
Tháng 8.1950, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện hành nghề luật sư tại trường Middle Temple, Quang Diệu và Ngọc Chi trở về nước trước sự cổ vũ của báo chí. Tìm việc làm xong, Quang Diệu đến nhà Ngọc Chi xin phép làm đám cưới. Cha Ngọc Chi đùng đùng nổi giận. Ông chờ đợi thân phụ của Quang Diệu đến ngỏ lời xin phép chứ không phải là một cậu thanh niên 27 tuổi. Nhưng cuối cùng, đám cưới chính thức của họ cũng diễn ra tốt đẹp tại khách sạn Raffles vào ngày 30.9.1950. Ngọc Chi về làm dâu nhà họ Lý ở số 38 phố Oxley. Hai vợ chồng cùng đi làm cho công ty luật Laycock & Ong.
“Con rồng vinh hiển” đem lại niềm hạnh phúc vô biên
Ngày 10.2.1952, đứa con đầu lòng của họ ra đời. Lý Quang Diệu tham vấn một chuyên gia phiên dịch tại Tòa án tối cao Singapore để tìm cái tên hay nhất cho con. Vị chuyên gia phán rằng đứa bé ra đời vào ngày mầu nhiệm nhất trong năm theo lịch Trung Hoa - ngày thứ 15 của nguyệt kỳ đầu tiên trong năm con rồng. “Vì thế chúng tôi quyết định đặt tên con là Hiển Long, tức con rồng vinh hiển. Thằng bé rất dài, trông gầy guộc nhưng nặng hơn 8 cân Anh. Nó đem lại cho chúng tôi niềm hạnh phúc vô biên”, ông Lý viết trong Hồi ký.
Sau đó, họ sinh thêm con gái Vỹ Linh (1955) và con trai út Hiển Dương (1957). Cả 3 đều học rất giỏi và thành đạt. Hiển Long nay là đương kim thủ tướng Singapore, Vỹ Linh là bác sỹ thần kinh nhi nổi tiếng, còn Hiển Dương là một doanh nhân giỏi.
Hiển Long, Vỹ Linh, Hiển Dương đều thông minh và học giỏi
Tháng 9.1955, Lý Quang Diệu cùng vợ và em trai kế Lý Kim Diệu thành lập công ty luật Lee & Lee do ông đứng đầu. Trước đó, cuối năm 1954, ông cùng các cựu du học sinh tại Anh quốc thành lập Đảng Hành động Nhân dân (PAP), ra tranh cử nghị viên và chính thức bước vào con đường chính trị mà ông đã có tham vọng khi còn rất trẻ. Tháng 6.1959, ông thắng cử và trở thành thủ tướng Singapore, trao quyền điều hành công ty luật Lee & Lee lại cho vợ và em trai. Hơn 6 thập niên qua, Lee & Lee không ngừng lớn mạnh và là một công ty tầm cỡ ở Singapore hiện nay.
Nội tướng
Trong chương áp cuối với chủ đề “Gia đình tôi” của tập hồi ký thứ hai Từ Thế giới thứ ba lên Thế giới thứ nhất – Câu chuyện Singapore: 1965-2000 xuất bản năm 2000, ông Lý viết: “Những người (Không dùng từ này) khiến tôi có ấn tượng bởi sự quan trọng mà họ đặt vào người phụ nữ sẽ gắn bó với một cán bộ triển vọng. Họ biết người vợ có ảnh hưởng lớn như thế nào đến sự dấn thân vì lý tưởng của người chồng… Tôi thật sự may mắn. Chi chưa bao giờ nghi ngờ hay do dự về lý tưởng chiến đấu của tôi, bất chấp kết cục thế nào”.
Sát cánh bên chồng
Với ông Lý, bà Chi là chỗ dựa của gia đình: “Bởi tôi biết Chi có công việc của một luật sư, và nếu cần bà ấy có thể tự lo cho mình và các con, nên tôi không phải lo lắng về tương lai của bọn trẻ”. Điều đó giúp ông toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chính trị của bản thân và tương lai của đất nước. Với các con, bà Kha là một người mẹ mẫu mực, tuyệt vời. Thủ tướng Lý Hiển Long từng kể trong nhiều cuộc nói chuyện trước công chúng: “Khi chúng tôi còn nhỏ, mẹ tôi là một luật sư bận rộn. Nhưng thay vì ăn trưa với khách hàng, hôm nào bà cũng về nhà ăn cơm với chúng tôi, chăm sóc và bảo ban anh em tôi chu đáo”.
Người mẹ mẫu mực
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Lý thừa nhận bà Kha là “một tòa tháp sức mạnh”. Suốt 31 năm ông làm thủ tướng (1959 – 1990), bà lặng lẽ làm người hỗ trợ đắc lực trong quan hệ đối nội lẫn đối ngoại của ông: “Bà ấy giúp tôi hàng đống công việc, giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, như sửa bản thảo các bài diễn văn mà tôi sắp phát biểu, sửa đề cương tôi sẽ trình trước Quốc hội hoặc trả lời phỏng vấn. Bà ấy quen thuộc với ngôn ngữ của tôi nên dễ dàng đoán ra từ ngữ tôi dùng mà các nhân viên tốc ký của tôi không thể lần ra được”.
Trong các chuyến công cán cùng chồng, bà Chi tiếp xúc với phu nhân của các chính khách mà ông Lý gặp gỡ. Sau đó, bà đưa ra nhận định khá chính xác về vị chính khách thông qua cách hành xử và giao tiếp của vợ ông ta. “Bà ấy có một trực giác rất tinh anh khi đánh giá một con người. Trong khi tôi đưa kết luận dựa trên phân tích và lý lẽ, thì bà ấy lại dựa vào cảm giác mà bà cảm nhận được đằng sau nụ cười, những lời nói thân tình, nét mặt, và ngôn ngữ cơ thể của người đối diện”, ông Lý viết.