CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI " CHUNG MỘT MÁI TRƯỜNG" CHÚC CÁC BẠN MẠNH KHỎE,VUI VẺ VÀ HẠNH PHÚC.

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

THÁI HOÀ: hát nhạc TRỊNH như một định mệnh

Tên thật: Thái Hòa
Ngày sinh: 1979 - Quốc gia: Việt Nam
Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do
Ca sĩ Thái Hòa - Giám đốc điều hành Thư viện Trịnh Công Sơn tại Torino (Italia) thuộc lớp nghệ sĩ trẻ song đã có nhiều năm tâm huyết và hoài bão phát triển gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn ở nước ngoài.
                                THÁI HOÀ VÀ KHÁNH LY
 Sau những bề bộn của công việc quản lý tại Tập đoàn Công nghiệp Điện Schneider Electric của Pháp, Thái Hòa còn dành thời gian thực hiện nhiều chuyến biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn phục vụ cộng đồng ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và Canada...

Mới đây, anh cùng những người bạn yêu mến nhạc Trịnh ở Tây Âu đã thành lập ra một thư viện âm nhạc Trịnh Công Sơn tại thành phố Torino (Italia). Đây cũng là lần đầu tiên tài sản âm nhạc của một nhạc sĩ Việt Nam được lưu giữ tại một thư viện riêng mang tên chính mình 

BÊN ĐỜI HIU QUẠNH...

Ở đâu và bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng anh nói cười, tôi đều cảm thấy một nỗi yên tâm vô cùng... "Ồ, Mai hả, có qua không". Tôi cười. "Em cũng chưa biết tính sao, để xem đã nghe anh..." Miệng thì nói vậy, sáng hôm sau tôi đã có mặt ở phi trường. Chuyến bay cất cánh lúc 7 giờ sáng.
Trời lúc đó đã sang tháng 4. Tuyết vẫn phủ trắng xóa 2 bên đường từ phi trường về nhà. Hình như cái gì vào lúc sắp hết cũng mạnh mẽ thêm, như ánh lụa, như cơn nắng, như mùa đông, như tình yêu - rồi mới chịu dứt hẳn, mới chịu buông tay chấp nhận. Cũng may, tôi chuẩn bị áo lạnh đầy đủ vậy mà cũng không tránh khỏi những suýt xoa.
Tôi đi thẳng lên lầu, rón rén bước vào phòng. Anh đang ngủ. Giấc ngủ buổi chiều. Khuôn mặt gầy, xương xương góc cạnh. Cái kính gọng vân vân như đồi mồi để trên cái bàn nhỏ đầu giường. Anh gầy quá. Tôi bước lại gần anh hơn. Rất nhẹ nhàng tôi cúi xuống nhìn sát mặt anh. Tôi không nghe thấy hơi thở của chính mình. Tự dưng tôi muốn hôn lên trán anh. Tôi không làm thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay rất gầy có những ngón thon dài, đặt trên ngực. Tôi không làm thế. Và cũng rất nhẹ nhàng như khi bước vào, tôi ra ngoài phòng khách ngồi nói chuyện với Tâm, Tĩnh, và anh Thích.
Anh bước ra, tay vuốt tóc, tay chỉ tôi ... "A, tới rồi. Tới hồi nào vậy?" Giọng anh không hề có chút ngạc nhiên, làm như cái chuyện tôi đến, anh đã biết. Ngày xưa cũng thế. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau và đến lúc này tôi mới cảm nhận rằng chúng tôi thực sự có nhau. Không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Tất cả chúng tôi ngồi bên nhau. Hình như chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau nhiều dù ở bất cứ một đề tài, một lãnh vực nào. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng. Cũng có lúc, cả hai chúng tôi bị lôi cuốn vào câu chuyện vui của mọi người. Nhưng đó là những điều hoàn toàn không dính líu, liên quan đến những điều thực sự chúng tôi muốn nói với nhau. Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói ra bằng lời.
               KHÁNH LY và TRỊNH CÔNG SƠN ( QUÁN VĂN-1967 )
Buổi chiều tuyết rơi kín mặt hồ, chúng tôi đi bên cạnh hàng cây đầy hoa. Hoa tuyết. Nói chuyện bâng quơ, không có gì rõ ràng được đặt ra, không có gì thắc mắc, không có khoảng cách 17 năm để phải ngỡ ngàng. Tôi ngỡ như vừa từ Saigon vào Huế thăm anh. Anh từ Huế vào Saigon. Chúng tôi uống cafe tại La Pagode. Tôi tưởng sẽ có nhiều điều, để hai anh em nói với nhau. Nhưng cả hai đều không nói gì cả.
Bao nhiêu ngày tháng đã đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi... Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết phải nói ra.
Trong một căn phòng, không phải bên cạnh sông Hương mà ở ngay giữa lòng thành phố Montreal. 

Bên ngoài tuyết rơi, chúng tôi ngồi với nhau, những người bạn cũ. Hát lại những bài hát ngày xưa. Hoặc những tình ca mới. Mỗi người một ly rượu, khói thuốc mù mịt, mỗi người ngồi sát nhau trên chiếc thảm, trước lò sưởi... Không ai cảm thấy lạnh. Không chút lạnh lẽo nào giữa chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Anh hát đi. Không, Mai hát đi. Giang hát đi. Mai ngâm thơ đi...
"Mà sao giấc ngủ không dài. Mà đêm không ngắn mà trời cứ mưa. Ở đây tôi sống như thừa. Có đem men rượu tẩm vừa lòng nhau" (Nguyễn Bính)
Cũng mùa đông, một đêm nào đó, 1974 ở nhà anh chị Lê, ở Huế. Ngôi biệt thự bên cạnh sông Hương. Ngoài trời cũng tối và lạnh như đêm nay. Mùa đông ở Huế. Chúng tôi cũng ngồi bên nhau như hôm nay. Lúc đó tôi vừa 30 tuổi. Tóc vẫn còn xanh. Lòng còn tha thiết yêu đời sống. Một buổi sáng tôi bỗng thấy mặt trời lên cùng tôi và biển cả. Nước mắt tôi tuôn như mưa. Tôi nhớ mùa đông ở Huế. Mùa đông ở Huế và anh.
17 mùa đông lặng lẽ đi qua, tôi vẫn nhớ những ngày âm u lạnh lẽo của Huế. Tôi có thể quên nhiều điều, tôi có thể quên tất cả để chỉ nhớ về những con đường của Saigon - nơi tôi đã ở và đã từ đó ra đi... nhưng không bao giờ tôi quên được những ngày tháng ngắn ngủi, vội vàng ghé Huế. Ðến vội vàng. Ði vội vàng mà chẳng thể nào quên được. Một thứ tình lạ thường đã trói buộc Huế trong trái tim tôi. Một trói buộc mơ hồ nhưng mạnh mẽ, đằm thắm. Tôi lớn trong hơi thở có Huế. Chính Huế cho tôi hơi thở.
Bây giờ là cuối đông. Những bông tuyết bay trong chiều, đậu trên những cành cây trụi lá, gầy guộc. Chúng tôi đi bên nhau. Tia nắng dịu dàng đậu trên những bông hoa nhỏ bé, lấp lánh, tấm thảm dầy trắng tinh, chỉ có vết chân bé nhỏ của những chú sóc nghịch ngợm chạy tới ăn những hột bắp rang nở bung mà anh liệng ra để dụ chúng lại gần. Anh cười vui, ánh mắt long lanh thơ dại. Tôi ít thấy anh cười mà cũng không bao giờ thấy anh tỏ vẻ buồn bã.
Chúng tôi tìm đến một thân cây lớn, một nửa ngập dưới tuyết, ngồi nghỉ chân. Tuyết vẫn rơi. Chỉ có hai chúng tôi giữa một vùng trắng mênh mông yên lặng. Chẳng lẽ không có gì để nói, không còn gì đáng nói sau mười mấy năm vắng nhau? Có chứ. Anh đã nói, không phải với riêng tôi, mà ở những bài hát. Tôi đã nghe và hiểu từ đó...
"Có đường xa mà gió chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên... Tôi là ai mà còn khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai. Là ai. Là ai mà yêu quá đời này... Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo..."
Tôi bỗng thương anh thêm và càng quý trọng những giây phút bên anh. Cũng vội vàng, ngắn ngủi như những lần tôi ghé Huế. Tuy nhiên, tôi nghĩ, như thế có lẽ tốt hơn. Bởi vì những điều như thế đã cho tôi cái cảm tưởng là không hề bao giờ, giữa chúng tôi có cái khoảng cách 17 năm. Lá vẫn rơi trên lối chúng tôi đi. Những khóm hoa nắng vẫn lấp lánh trên đường chúng tôi đi. Tất cả vẫn rất còn rực rỡ.
Quay về căn phòng nhỏ. Ánh lửa như hồng thêm, ấm áp thêm bên ly rượu màu hổ phách, cay nồng. Cởi áo lạnh ra, trông anh gầy hơn xưa nhiều song so với lần gặp nhau ở Paris 1989, anh có vẻ khỏe hơn. Bên cạnh anh là Hoàng Xuân Giang của quán Văn ngày xưa. Giang đã có vợ, con gái lớn rồi. Hoàng Xuân Sơn cũng đùm đề một gánh thê nhi nặng trĩu hai vai. Phạm Nhuận to béo hơn xưa, vui vẻ cười nói ồn ào bên cạnh Hoàng Xuân Sơn nhỏ nhẹ thư sinh. Hoàng Xuân Giang vạm vỡ khỏe mạnh như loài cây hoang trong rừng già và anh, anh mỏng manh và thật đằm thắm. Nhìn quanh, tôi thấy như mình đang sống trong thần thoại 20 năm là đây. Chỉ ở một buổi chiều cuối đông tại thành phố Montreal. Còn ai nữa nhỉ? Chắc chắn là còn thiếu một vài người. Trong tôi, một thoáng ngậm ngùi.
Chúng tôi chia tay nhau, dưới ánh đèn đường vàng vọt, trước cửa nhà anh Quế. Mai gặp lại. Anh và tôi trở về nhà Tâm. Nỗi vui làm tôi khó ngủ như ngày xưa sau mỗi buổi hát, chúng tôi thường ngồi lại với nhau, chia cho cạn niềm vui còn sót lại. Những niềm vui không thể để vung vãi, bỏ phí. Phải uống hết, phải nuốt hết vào lòng. Chúng tôi đã sống bằng những niềm vui không nhiều trong đời. Tôi tự cho mình là cái bóng của anh và cũng được hưởng niềm vui đó.
Tôi mở cửa phòng rất nhẹ. Anh đã ngủ yên. Chỗ tôi nằm cách chỗ anh một sải tay. Tôi khẽ nằm xuống, kéo mền len, nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Tôi nghĩ lát nữa đây, khi mặt trời lên trên thành phố này, khi tôi thức dậy, tôi sẽ nhìn thấy anh. Tuyết vẫn bay ngoài cửa sổ nhưng ngày sẽ đẹp.
Anh dậy rất sớm và việc làm đầu tiên trong ngày của anh là ra khỏi nhà. Tìm đến một quán Cafe, ngồi đó hút thuốc và nhìn người qua lại trên đường phố... "phải nhìn thấy mọi người, một ngày không thấy ai, buồn dễ sợ". Tôi nhìn anh cười không nói. Cái nhìn và nụ cười là câu trả lời. Ngày xưa anh cũng thế. Chúng tôi cùng nhau xuống phố. Vẫn im lặng đi bên nhau với nỗi hân hoan hạnh phúc không thành tiếng..." Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi. Ðường đến anh em, đường đến bạn bè. Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát. Ðể thấy tiếng cười rộn rã bay..."
Ðó là những điều rất thật thà anh đã nói, đã làm, để sau cùng "Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước này cần một trái tim. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Ðã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi".
Tôi thấy anh yêu đời thật sự. Anh cười với ông Phạm Duy, ông Trầm Tử Thiêng, ông Duy Khánh và các bạn qua điện thoại. Anh hát và chỉ cho tôi, cắt nghĩa cho tôi những bài hát mới. "Nhớ đừng có hát như trả bài nhé.". Giọng anh hát khỏe hơn lần gặp ở Paris. "Thôi anh hát đi, anh hát hay hơn em". Anh cười, mắt anh cũng cười "Anh bao giờ cũng hát hay hơn Mai".
Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng của năm 1967. Chúng tôi những người bạn nghèo, đến với nhau, gắn bó không ngờ. Gia đình anh giầu, gia đình Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang cũng giầu, nhưng cá nhân chúng tôi đều nghèo. Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cafe cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhầu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nảy mầm ở đó. Quán Văn, cái tên quán dễ nhớ và dễ thương, mọc lên chơ vơ giữa lòng Saigon trăm ngàn màu sắc. Những tấm ván ép hư bể, được ghép lại, nhỏ hơn cái bếp ở đây, chỉ dành làm chỗ pha cafe. Mọi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Ðó là nơi gặp gỡ đẹp đẽ nhất của một thời tôi còn trẻ.
Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui. Chúng tôi không cần biết vì niềm vui đã có. Rất đơn sơ mà thắm thiết không rời. Ðến với nhau qua sự run rủi của định mệnh. Không thề thốt, không hứa hẹn. Ðến và ngồi với nhau. Một lần rồi thì có nghĩa là mãi mãi. Giang đó, Sơn đó, Nhuận đó, Thảo đó, Anh và tôi... từ những ngày lăn lóc đó cho đến bây giờ vẫn không dời đổi. Qua những bài hát của anh, sự kết hợp những người trẻ thật khít khao vừa vặn. Ai đến cũng được, ai đi cũng được...
"Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...". Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Ðời cơm áo quả thật đã cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên... dù đời sống có làm tan vỡ, có làm chìm sâu những mơ ước của một đời người - thì trong trái tim bầm dập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất...
Khánh Ly

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

THỦY TIÊN:XIN CHO TÔI NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI...

Cô gái có khuôn mặt biến dạng, giọng ca trầm buồn đã hoàn thành album nhạc Trịnh đầu tay, phát hành vào đúng sinh nhật Trịnh Công Sơn. Sản phẩm không đơn giản là ước nguyện được trở thành hiện thực, mà còn chứa đựng những nỗi lòng sâu kín được giãi bày bằng âm nhạc.
Trong kho tàng nhạc Trịnh, Thủy Tiên chọn 11 bài hát mang nỗi buồn lặng lẽ, nhẹ nhàng: Xin cho tôi, Như cánh vạc bay, Cỏ xót xa đưa, Này em có nhớ, Một lần thoáng có, Ru em từng ngón xuân nồng, Giọt lệ thiên thu, Hãy cứ vui như mọi ngày, Đời cho ta thế, Muôn trùng biển ơi.
Đó cũng chính là cách mà giọng hát chở sức nặng những tâm sự của người ca sĩ không "nguyên vẹn hình hài" chuyển tải đến người nghe.  Cô hát không u uất mà bằng một thái độ thanh thản với cuộc đời và ước vọng nhỏ nhoi luôn được thắp sáng trong trái tim mình. Giọng ca trong CD "Xin cho tôi" không mượt, cũng chẳng đẹp, thậm chí có phần mờ, nhưng chính sự đồng cảm sâu sắc giữa ca khúc và người hát đã giúp những bài vốn đã quen tai với khán giả trở nên tình cảm và đằm thắm hơn.
Những bài hát trong CD này chính là tâm sự về cuộc đời không may mắn của Thủy Tiên, cũng chính là sự tri ân của cô dành cho những tấm lòng yêu nhạc Trịnh đã nâng đỡ giọng ca của mình. Tiên nói bằng những lời của Trịnh Công Sơn để lại: "Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ - có khi bày tỏ được cũng chỉ là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Mỗi người sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu ngọn lau".
Tưởng chừng giữ lại, nhưng cô gái nhỏ mang đến cho người nghe điều thầm kín trong lòng mình qua nhạc Trịnh, trong đó, cô đã hát rằng:
                                          " XIN CHO TÔI NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI "

(Trích: Vườn khuya )
Xem Thuỷ Tiên hát tại đây:



XIN LƯU Ý:Ca sĩ Thủy Tiên có 1 câu lạc bộ tên Hội Quán Đời rất đẹp dành cho người khuyết tật ở địa chỉ 91/6N Hòa Hưng, P.12, Q.10 TPHCM, anh (chị) có thể đến xem biểu diễn văn nghệ và đóng góp giúp đỡ

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

NHÂN NGÀY GIỖ NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN,NÓI VỀ MỘT HUYỀN THOẠI:DIỄM XƯA

  Hãy nghe TCS nói về  Diễm của những ngày xưa: "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.  (...) 
 Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường . Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. (...)Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
  Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thật và sẽ biến đi. 


 Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ  phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa." 
“Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện

 Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật “bí ẩn” đã đi vào huyền thoại trong sáng tác “Diễm xưa” của chàng thi sĩ họ Trịnh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.
                                    DIỄM XƯA NAY ĐÃ TRỞ LẠI
Xuất phát cho ý tưởng độc đáo này là giáo sư Thái Kim Lan, hiện đang công tác tại CHLB Đức. Qua lời mời của cô Lan, Ngô Thị Bích Diễm (Diễm) đã đồng ý về Huế gặp gỡ một buổi duy nhất với công chúng. Tuy nhiên khách được mời hạn chế qua điện thoại, chỉ những người thân quen, một thời gắn bó với Trịnh.


Cuộc gặp gỡ quá đặc biệt không được thông báo trước  đã diễn ra tại trung tâm văn hóa Liễu Quán, TP Huế, tối 12/3 vừa qua.


“Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Diễm đã trở thành một huyền thoại. Từ đó đến giờ, rất ít ai biết hình bóng cô Diễm trong tuyệt phẩm Diễm xưa là ai. Hôm nay, sự im lặng đó được phá vỡ”, Thái Kim Lan tâm sự
           Giáo sư Thái Kim Lan (bên phải) giới thiệu bà Ngô Thị Bích Diễm với mọi người
                  ...và đã thu hút sự quan tâm của khách mời, bạn bè tại buổi giao lưu

Bà Diễm tâm sự những điều chưa nói đã quá lâu. Kể từ khi Trịnh Công Sơn mất, bà hoàn toàn im lặng với quá khứ

DIỄM XƯA VÀ HOẠ SĨ BỬU Ý

Nhà văn hóa Huế, giáo sư Bửu Ý, đã kể lại một câu chuyện tình về Sơn và Diễm. “Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu “hương hoa” kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó. Tên cô là Diễm, người đã tạo cảm xúc cho Sơn sáng tác vô số bản tình ca bất hủ”, lời kể của giáo sư Bửu Ý.


Tao ngộ Huế sau bao nhiêu năm “ẩn giấu”, bà vẫn mặc một áo dài Huế xưa, chân đi hài. Nét mặt hiền, nhân ái và hay cười nhẹ. Độ tuổi 60 vẫn không làm mất đi nhan sắc thuở nào của “Diễm”. Sự có mặt của Diễm đã làm thỏa lòng toàn bộ mọi người có mặt trong khán phòng.   

Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ.
                Một chất giọng Bắc xưa nhè nhẹ cất lên, Bích Diễm đã thổ lộ cùng khán giả “Huế đối với tôi thật bình yên. Trong Huế có một tình yêu. Từ lâu tôi đã giữ im lặng. Quá nhiều kỷ niệm từ thời thơ ấu tại Huế. Dù đi xa đã lâu nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như ngày ban đầu. Trong con người quý nhất là tình cảm. Anh Sơn đã lồng hết những cung bậc đó vào nhạc. Xin cảm ơn anh Sơn, cảm ơn Huế vì sự đón tiếp nồng hậu”. Những câu nói bị ngắt ý giữa chừng vì xúc động của bà đã làm không ít người đồng điệu rơi nước mắt.
Trên nền guitar và piano sâu lắng, nhiều người bạn đã hát tặng “Diễm xưa” những ca khúc tên tuổi của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, mà trong đó không thể thiếu ca khúc Diễm xưa.  
Diễm của những ngày xưa
       Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu.
Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết.
Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.
Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.
Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
 Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
Trịnh Công Sơn 

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

GIÁ TRỊ MỘT GIỜ CỦA BỐ

 Người đàn ông đi làm về muộn,mệt mỏi và bực bội.Đứa con trai 5 tuổi chờ ông ta ở cửa.
- Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu được không?
- Được chứ.gì vậy?-người đàn ông đáp.
- Bố à,một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
- Nếu con cần phải biết thì bố nói đây: 20 đôla/một giờ.
- Vậy hả bố-cúi mặt thằng bé đáp- con có thể vay bố 10 đôla được không ?
Ông bố nổi giận:
- Nếu con vay để mua đồ chơi hay mấy cái thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng của con,suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy.Bố làm việc vất vả cả ngày rồi,không có thời gian cho những trò trẻ con.
Thằng bé lặng lẽ đi về phòng.Người cha ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều thằng bé hỏi.Khoảng một giờ sau khi đã bình tĩnh lại,ông nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với con.Có thể thằng bé thực sự thiếu 10 đôla để mua một thứ gì đó nó cần,mà quả thật,nó đâu thường xin tiền mình.
 Người đàn ông tiến về phía cửa thằng bé.
- Bố nghĩ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con- người cha nói- Hôm nay bố đã làm thêm giờ và bố trút sự mệt mỏi lên con.Đây-bố cho con 10 đôla.
Thằng bé ngồi bật dậy,mỉm cười và reo lên:
- Ô,cảm ơn bố !
Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát.
_ Con có tiền rồi mà còn xin bố nữa-ông bố tức giận trở lại.
- Con còn thiếu,nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ-thằng bé đáp-Bố à,bây giờ con có 20 đôla,con có thể mua một giờ của bố không?Ngày mai bố hãy về nhà sớm,con xin bố,con muốn được ăn tối với bố...
Có lẽ chúng ta nên chia sẽ câu chuyện này với người bạn thích,nhưng tốt hơn,chia sẽ thời gian của mình với người bạn yêu thương. 
                                            (Theo Usd worth of time )

CHỈ MỘT TIẾNG " EM "

Chồng thức suốt đêm chăm sóc vợ ốm, sáng ra hỏi: “Hôm nay thấy thế nào? Còn đau không?”.
 Người ấy đến thăm, hỏi: “Hôm nay em thấy thế nào? Còn đau không em?”.
Chồng hì hụi nấu cho vợ bát cháo, bưng đến, nói: “Ăn đi cho toát mồ hôi...”

 Người ấy đến đúng lúc bát cháo còn để trên bàn, bảo: “Em ăn đi kẻo nguội...”

 Sáng thấy trời trở gió, chồng đưa cho cái áo khoác bảo: “Trời lạnh đấy...”

 Người ấy nhìn thấy quấn kín mít trong đống áo quần, hỏi: “Có lạnh không em?”

 Chỉ thêm một từ “em” mà sao nghe lòng cứ rưng rưng. Người ấy thật dịu dàng, thật trìu mến, thật đáng yêu.

 Chỉ thiếu một từ “em” mà thấy lòng lạnh tanh, ngao ngán thấy ông chồng thật khô khan, cục mịch.

 Chỉ vì một từ em mà chị đã xao lòng. Chỉ thiếu một từ em mà chị cảm thấy hụt hẫng, người đâu mà khô như ngói.
 Chị thật chóng quên. Trước kia anh đâu có thế. Nhưng...
Anh vừa hoàn thành công trình được nghiệm thu xuất sắc, vội lao về nhà để đưa vợ đi nhà hàng chiêu đãi, mặc cho đồng nghiệp í ới rủ rê đi nhậu, nhưng gặp ngay nét mặt lạnh lùng của vợ:

 - Hôm nay thất nghiệp hay sao mà giờ này đã về...

 Nguội cả niềm vui.

 Vui quá vì nhận được một hợp đồng béo bở, về thấy vợ đang lúi húi nấu cơm, thương vợ quá nên bàn:

 - Em tìm thuê lấy người giúp việc cho đỡ vất...

 Vợ cau có:

 - Sợ vợ vất vả hay thích có bà bé trong nhà?

 Tình yêu vụt tắt.

 Có hôm tự nhiên nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa thấy yêu vợ lạ lùng, chẳng kìm được lòng đến bên vợ hôn một cái. Vậy mà vợ quay ngoắt lại, giương mắt lên hỏi:

 - Hôm nay lại làm gì nên tội hả? Anh khai ngay. Hôm nay anh gặp lại người yêu cũ phải không?

 Nói là vì yêu vợ quá thì vợ lại phì vào mặt bảo: “Đừng giả dối, đừng đánh trống lảng...”. Buồn cả người.

 Có hôm công việc không suôn sẻ, vừa mệt, vừa chán, chỉ mong được về nhà nằm nghỉ bên vợ con cho quên hết sự đời, vậy mà vừa mở cửa, mới bước được có một chân vào nhà vợ đã nhìn lom lom hỏi:

 - Hôm nay cãi nhau với con nào hả? Sao mặt mũi trông như thất tình vậy?

 Cứ nghĩ, giá như vợ chỉ hỏi một câu: “Anh có chuyện gì mà trông mệt thế?”, chắc sẽ bật khóc mà nói: “Không có em chắc anh không sống nổi...”.

 Vợ bước từ phòng tắm ra, trông vợ mát mẻ cứ như thiên thần, yêu thật là yêu, chạy ra ôm vợ vào lòng, ghé tai nói khẽ: “Em xinh thật là xinh. Thơm thế, cứ như được ướp bằng ngàn loài hoa ấy...”.


 Vợ hất tay, nguýt dài: “Đừng có tán, tính chuyện vớ vẩn hả... người ta đang mệt đây, để cho người ta yên”. Trăm ngàn tình yêu đều sun cả lại, cụt cả hứng.

 Ngày sinh nhật vợ, nhân có tiền thưởng, hứng chí mua cho vợ một bó hoa lan cực đẹp. Cầm bó lan đi đường bao cô gái phải trầm trồ khen, sướng run cả người, tin chắc vợ sẽ vui lắm đây. Vậy mà vợ chỉ nhìn bó hoa đã hỏi ngay: “Bao nhiêu tiền thế? Anh mua hay cô nào mua hộ?” Niềm vui chợt tắt.

 Nhưng nào đã xong, vợ truy mãi đành phải nói giá bó hoa (mà chỉ là nửa giá thật thôi đấy), vợ giãy lên đành đạch tưởng bị đứt ruột, kêu rầm: “Kỳ sau đến ngày sinh nhật tôi ông cứ mua cho tôi con gà để tôi ôm là được, đừng có hoa hoét làm gì phí tiền...”.

 Cứ thế mà những lời có cánh, những hành động galăng dần dần mai một, héo hon, khô đét.

 Có nhiều lúc khao khát được nói những lời yêu thương, khao khát được bày tỏ tình cảm với vợ mà miệng chẳng dám nói lời ngọt ngào âu yếm, sợ phải nhìn ánh mắt nghi ngờ của vợ, sợ phải nghe vợ nói: “Đừng có mà giả tạo, đừng có mà nói điêu...”.

 Vợ chẳng biết chính mình đã biến chồng thành mảnh ngói khô khan để rồi cứ thế mà hờn trách, xa rời chồng. Để rồi xao lòng với người đàn ông khác bởi một tiếng “em”...
                                                         ( Internet )

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

QUÀ CỦA TRÁI TIM

 Vàng và bạc là những món quà.Nó là của cải vật chất,được định giá bằng tiền.Nhưng những món quà của trái tim có giá không phải tính bằng tiền.Một nụ cười dịu dàng là món quà mà bạn có thể trao tặng nó hằng ngày cho mọi người.
 Một lá thư là món quà trao cho người bạn của bạn khi họ đang ở rất xa.Một tiếng cười sảng khoái là món quà có thể mang lại hạnh phúc bên trong nó.
 Thời gian là một món quà để yêu thích từng giây phút.
 Có người thích món quà là những lời khuyên.
 Bạn có thể nói với một người nào đó:"Tôi yêu mến bạn,bạn thật là tốt" đó cũng là một món quà
 Sự hàn gắn những mâu thuẩn là một món quà đặc biệt vì nó mang đến cho con người những niềm tin tưởng vào cuộc sống,vào tình người.
 Một nhiệm vụ là món quà khi việc thực hiện nó đem đến niềm vui.
 Một lời ca ngợi là món quà cho nhiệm vụ được hoàn thành tốt đẹp.
" Cám ơn ","Làm ơn","Vậng ạ",là những món quà.Đôi khi cả "Không","Có lẽ...","Nếu như..."cũng là những món quà.
 Có lúc ta có thể tìm kiếm một món quà ở những nơi hoàn toàn xa lạ:Hình ảnh thân cây cổ thụ vững vàng trong giông bão hay một bím tóc dài xinh đẹp trên đường phố hoặc những gương mặt đỏ hồng vì e thẹn.
 Cả thế giới này là một món quà mà Thượng Đế trao tặng chúng ta:đồng cỏ xanh ngát tận chân trời,là một bầu trời trong xanh bao quanh.
                                                                   ( Internet )